Các thượng nghị sỹ Mỹ đề xuất dự luật trừng phạt Iran

Ngày 19/12, các nghị sỹ Mỹ đề xuất dự luật có các biện pháp trừng phạt mới với Iran nếu nước này vi phạm thỏa thuận tháng 11 vừa qua.

Ngày 19/12, các nghị sỹ Mỹ đã đề xuất một dự luật nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Iran nếu nước này vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân được ký kết với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 11 vừa qua.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã ngay lập tức lên tiếng phản đối dự luật trên.

Dự luật mang tên "Đạo luật ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân" đã được 26 nghị sỹ của đảng Dân chủ và Cộng hòa - trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez và thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mark Kirk - đề xuất nhằm tăng cường siết chặt cấm vận đối với nền kinh tế Iran thông qua việc áp đặt thêm các đòn trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp xây dựng và khai mỏ.

Dự luật được đề xuất cũng nhằm mục đích "bóp nghẹt" nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân của Tehran bằng cách chặn đứng hoạt động buôn bán dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trong một tuyên bố, ông Menendez cho rằng mặc dù những biện pháp trừng phạt hiện hành đã khiến Iran ngồi vào bàn đàm phán, song Washington cần soạn thảo một gói các lệnh trừng phạt mới trong tương lai nhằm buộc Tehran tham gia các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc và có tinh thần hợp tác.

Cũng theo nghị sỹ đảng Dân chủ này, dự luật trên còn cho phép chính quyền Tổng thống Obama có thời gian một năm để tiếp tục những nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran một cách toàn diện thông qua con đường ngoại giao.

Trong khi đó, nghị sỹ Cộng hòa Kirk cảnh báo một cuộc chiến sẽ xảy ra nếu Washington tiếp tục nhượng bộ Iran, đồng thời nhấn mạnh việc nới lỏng trừng phạt sẽ giúp Tehran có cơ hội tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân cũng như tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Trong phản ứng mới nhất, Nhà Trắng cho rằng việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran vào thời điểm hiện tại là không cần thiết. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Tổng thống Obama sẽ phủ quyết nếu Quốc hội thông qua dự luật trên.

Ông đồng thời cảnh báo dự luật này nếu được phê chuẩn sẽ làm trì hoãn tiến trình đàm phán hạt nhân cũng như khiến Iran có cớ không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận sơ bộ vừa đạt được.

Quan chức này cũng khẳng định Nhà Trắng sẽ làm việc với Quốc hội để nhanh chóng đưa ra các gói trừng phạt mới và hiệu quả một khi quốc gia Hồi giáo không ngiêm túc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, hoặc không tuân thủ các điều kiện trong thỏa thuận ban đầu nhằm đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Cùng chung quan điểm trên, cùng ngày, một nhóm gồm 10 nghị sỹ đảng Dân chủ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Tim Johnson và Chủ tịch Ủy ban tình báo Dianne Feinstein đã gửi một bức thư đến lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid nhằm thể hiện sự phản đối dự luật trên; đồng thời yêu cầu có sự tham vấn trước khi thông qua một cuộc biểu quyết về vấn đề này tại Thượng viện.

Trước đó, thượng nghị sỹ Reid cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Obama trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua con đường ngoại giao, đồng thời cho biết sẽ không tiến hành bỏ phiếu dự luật này vào tháng 1/2014.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Iran cùng nhóm P5+1 bắt đầu cuộc đàm phán cấp chuyên gia tại Geneva nhằm thảo luận về cách thức triển khai một thỏa thuận lịch sử; theo đó quy định Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế.

Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được ngày 24/11 vừa qua, quốc gia Hồi giáo sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong sáu tháng để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.