Năm 2020 có một vị trí đặc biệt trong lịch sử hiện đại của nhân loại với cú sốc mang tên đại dịch COVID-19. Đại dịch đã khiến hoạt động giao thương quốc tế, kinh doanh, du lịch xuyên biên giới vào tình trạng đình trệ, kéo lùi đà phát triển của nhiều ngành công nghiệp.
Nhưng không thể phủ nhận rằng cũng chính nhờ đại dịch, quá trình chuyển đổi số đã tăng tốc trên toàn cầu. Nhiều công ty đang đầu tư vào công nghệ thông tin và dữ liệu để chuyển đổi mô hình doanh nghiệp của họ. Theo một số thông kê, có tới 88% các sáng kiến chuyển đổi công nghệ thông tin của các doanh nghiệp đã được đẩy nhanh nhờ COVID-19.
Dù không thể phủ nhận những tác động mang tính kìm hãm của COVID-19, những xu hướng chuyển đổi số dưới đây đã góp phần định hình cho thế giới công nghệ trong năm 2020.
Siêu tự động hóa
Siêu tự động hóa chỉ sự kết hợp của công nghệ như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), phần mềm quản lý kinh doanh thông minh (iBPM) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp con người đưa ra quyết định nhanh hơn và sáng suốt hơn.
Trong một báo cáo, công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner nhận định rằng quá trình siêu tự động hóa sẽ dẫn đến sự hình thành một “bản sao kỹ thuật số” (digital twins) của tổ chức, đặc biệt là tại các doanh nghiệp áp dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT).
Bản sao số giúp các doanh nghiệp hình dung cụ thể quy trình làm việc, cách thức hoạt động cùng những tương tác chỉ số để thúc đẩy giá trị kinh doanh. Nó cũng cung cấp những đánh giá liên tục theo thời gian thực về doanh nghiệp, từ đó tác động đến các quyết định và cơ hội kinh doanh của những lãnh đạo cấp cao.
[Chuyển đổi số: Xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng]
Gartner nhận định các doanh nghiệp sẽ chuyển sang hướng siêu tự động hóa nhiều hơn khi họ phải chạy đua để giảm chi phí, bù đắp cho việc áp dụng công nghệ mới đồng thời mang lại trải nghiệm nội bộ và chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Công ty tư vấn dự báo tới năm 2022, hơn 2/3 số doanh nghiệp có sử dụng IoT sẽ triển khai tối thiểu một bản sao số trong hoạt động sản xuất. Nhưng với sự thúc đẩy của đại dịch COVID-19, khoảng thời gian trên có thể được rút ngắn hơn nữa.
Mạng 5G
Nhu cầu về đường truyền kết nối Internet đã tăng mạnh khi người lao động phải rời những khu văn phòng có chất lượng mạng tốt để chuyển về làm việc tại nhà do đại dịch. Và không khó hiểu tại sao các nhà điều hành viễn thông đã tăng tốc phát triển hệ thống mạng 5G của mình, dù chưa thể phủ sóng diện rộng.
Tính đến tháng 12/2020, có 412 nhà mạng tại 131 quốc gia đang đầu tư vào 5G, trong khi dịch vụ mạng 5G đã được triển khai ở gần như mọi khu vực chính trên thế giới,bao gồm 85 mạng ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA), 35 mạng ở châu Á-Thái Bình Dương và 15 mạng ở châu Mỹ. Hiện đã có 519 thiết bị 5G từ 104 nhà cung cấp thiết bị gốc được công bố, với 303 thiết bị đã có mặt trên thị trường.
Những con số trên cho thấy tốc độ phát triển mạng 5G không hề bị giảm tốc vì đại dịch COVID-19 mà có thể tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới. Năm 2021 chắc chắn sẽ là một năm quan trọng đối với công nghệ này.
AI và Machine Learning
AI và máy học (Machine Learning) đã bùng nổ trong năm 2020 khi nhu cầu thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ của các doanh nghiệp tăng vọt. Giới phân tích nhận xét rằng giá trị của AI và máy học đối với hoạt động phân tích dữ liệu có thể được chắt lọc thành ba yếu tố cốt lõi: Tốc độ, quy mô và sự tiện lợi.
Cả ba điều này đều được chứng minh trong năm nay, khi đại dịch lan rộng trên toàn cầu đã đẩy các doanh nghiệp phải chuyển lên môi trường số.
Lĩnh vực AI đang thu hút ngày càng nhiều đầu tư, khi công nghệ này được tích hợp vào ngày càng nhiều ứng dụng hàng ngày. Các nhà cung cấp nền tảng điện toán đám mây như Google, IBM, Microsoft và AWS đang đẩy mạnh đầu tư vào việc tăng tốc truyền dẫn dữ liệu.
Các nhà sản xuất chip như NVIDIA và Intel đang xây dựng những bộ xử lý đồ họa (GPU) và bộ xử lý trung tâm (CPU) có khả năng đẩy quá trình đào tạo và học hỏi từ dữ liệu. Điều này cũng đang được mở rộng cho lĩnh vực điện toán phân tán, nơi AI đang giúp xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ các hệ thống IoT.
Ở quy mô nhỏ hơn, AI và ML đang giúp các công ty giải quyết được các vấn đề chăm sóc khách hàng thông qua AI đàm thoại. Công nghệ này cũng thu hút sự chú ý của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, khi lĩnh vực ứng dụng của nó trải từ trợ lý cá nhân “ảo” trên thiết bị di động đến các chatbot hỗ trợ khách hàng mua sắm trực tuyến.
Công nghệ chuỗi khối (blockchain)
Năm 2019 được coi là năm khá ảm đạm của công nghệ chuỗi khối (blockchain), tới mức nhiều chuyên gia gần như từ bỏ ý tưởng rằng công nghệ này sẽ mở rộng nhanh như kỳ vọng trước đó. Nhưng sang năm 2020, blockchain đã có một cú bứt phá khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đã bộc lộ sự yếu kém trong kết nối và trao đổi dữ liệu chung trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã xóa sạch những nghi ngờ về giá trị của các nền tảng dựa trên blockchain.
Vì chuỗi cung ứng dễ phân tán và liên quan đến nhiều bên, gần như mọi quy trình giao dịch phi tập trung đều trở nên hiệu quả và minh bạch hơn bằng cách sử dụng công nghệ blockchain. Các nền tảng dựa trên blockchain đều có khả năng chống giả mạo thông tin đồng thời cho phép mọi bên theo dõi quá trình ghi chép và xác minh thông tin trong chuỗi cung ứng.
Không chỉ được áp dụng trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, blockchain cũng được sử dụng để theo dõi giám sát dữ liệu y tế công cộng, đặc biệt đối với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Với tính minh bạch của mình, blockchain sẽ giúp các tổ chức và chính phủ đưa ra những dự báo chính xác hơn, từ đó phản ứng hiệu quả hơn. Blockchain cũng có thể giúp nhanh chóng phát triển các phương pháp điều trị nhờ tốc độ xử lý dữ liệu vượt trội của mình.
Ứng dụng thực tế ảo VR/AR
Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người tìm đến các ứng dụng và thiết bị thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) hơn so với trước đây. Với những thiết bị này, người dùng có thể chơi trò chơi điện tử, khám phá các điểm đến du lịch ảo, tham gia sự kiện giải trí trực tuyến, cũng như tìm kiếm sự tương tác giữa người với người thông qua các nền tảng VR xã hội khi họ phải ở trong nhà vì các hạn chế đi lại.
Các doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng VR để đào tạo nhân sự, tổ chức hội nghị, họp bàn các dự án và tạo những kết nối trực tuyến giữa các nhân viên. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã chuyển sang nền tảng VR để thiết kế phân tử, hợp tác nghiên cứu virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, từ đó xác định các phương pháp điều trị tiềm năng.
Năm 2020 đã qua đi, song những “vết thương” khó lành của thế giới vẫn còn ở lại. Đặc biệt, cú sốc mang tên COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống và khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo vẫn còn đe dọa nhân loại. Trong bối cảnh đó, các xu hướng công nghệ nêu trên vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển, giúp con người có thể duy trì kết nối, làm việc, giải trí và giữ gìn sức khỏe trong một thế giới còn tồn tại nhiều bất ổn khó giải quyết./.