Ngày 11/3, theo phóng viên TTXVN tại Australia, 3 thành viên tham gia giải đua xe Công thức 1 (F1) tại thành phố Melbourne, bang Victoria của Australia đã tham gia cách ly do nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ba người trên, bao gồm 1 thành viên từ đội McLaren và 2 người từ đội Haas, đã được đánh giá sức khỏe tại một cơ sở cách ly sau khi xuất hiện các triệu chứng sốt. Các thành viên đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và tự cách ly tại khách sạn nơi họ đang ở.
Australia hiện có hơn 112 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 3 người đã tử vong vì căn bệnh này.
Ngay 11/3, bang Victoria cũng xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 21 người.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hai trường học tại thành phố Melbourne đã bị đóng cửa. Australia cũng cấm nhập cảnh đối với tất cả các công dân Italy kể từ 18 giờ ngày 11/3.
[Hà Nội cấm nhiều tuyến đường phục vụ giải đua xe công thức 1]
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, đã có 77 công dân Bahrain được hồi hương từ Iran có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên thành 189 trường hợp.
Trang mạng Al Arabiya cho biết ngày 10/3, Bộ Y tế Bahrain đã hồi hương 165 công dân nước này từ Iran, quốc gia hiện được coi là “tâm dịch” COVID-19 tại Trung Đông.
Những người này được đưa về nước bằng máy bay và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngay sau đó.
88 trường hợp còn lại đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, song tất cả những người này đều tham gia cách ly để phòng ngừa.
Dự kiến một máy bay khác chở các công dân Bahrain cũng sẽ về nước này vào ngày 12/3 tới. Trong số 189 trường hợp mắc COVID-19 ở Bahrain, hiện đã có 30 người khỏi bệnh.
Trong khi đó, Kuwait cũng đã phát hiện thêm 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Kuwait lên 72 trường hợp.
Tại Trung Quốc, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam đã ghi nhận thêm một trường hợp xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài trở về. Trường hợp này là một người trở về Trung Quốc từ thành phố Milan, Italy, sau khi đi qua Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) đã xác nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở hòn đảo này lên 48 người. Bệnh nhân mới là một phụ nữ ở độ tuổi 30, bị nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 trong chuyến đi tới Anh từ ngày 28/2 đến ngày 8/3 vừa qua.
Người phụ nữ này đã được cách ly sau khi có triệu chứng đau đầu, sốt nhẹ và ho kể từ ngày 9/3. Người thân trong gia đình bệnh nhân hiện vẫn chưa có biểu hiện nhiễm virus.
Chính quyền Đài Loan hiện đã nâng mức cảnh báo đi lại đối với 8 nước châu Âu, trong đó có Thụy Sĩ, Na Uy, Bỉ và Hà Lan.
Trong khi đó, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 52 người, sau khi xác nhận thêm 2 ca nhiễm mới trong ngày 11/3.
Trong số 52 ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ, có 36 người Ấn Độ và 16 người Italy. Chính quyền địa phương trên khắp Ấn Độ đã kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người và các chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài.
Tại bang Kerala, chính quyền đã thông báo đóng cửa các trường tiểu học và rạp chiếu phim cho đến ngày 31/3 tới để phòng ngừa virus lây lan. Nhà chức trách tại nhiều khu vực cũng đã áp dụng biện pháp tương tự.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã có thêm 6 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 13 người. Tất cả các trường hợp mới đều về từ các nước châu Âu.
Trong số 6 ca nhiễm mới, có 4 ca hiện cư trú tại tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô Pretoria và thành phố Johannesburg, nằm trong nhóm du khách 9 người trở về từ Italy hồi đầu tháng 3.
Các ca nhiễm còn lại được phát hiện tại tỉnh Western Cape và KwaZulu-Natal.
Bộ Y tế Nam Phi cho biết các lực lượng chức năng đang khoanh vùng để thực hiện việc cách ly các cá nhân có tiếp xúc gần với những ca dương tính. Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 300 người.
Trước đó, ngày 9/3, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize khẳng định kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3, các diễn biến của dịch COVID-19 tại Nam Phi vẫn trong vòng kiểm soát, do đó chính phủ nước này chưa xem xét ban bố lệnh cấm xuất nhập cảnh, đình chỉ các hoạt động giao thương quốc tế, cũng như hủy các sự kiện lớn.
Ngoài việc chỉ định 18 bệnh viện lớn đóng vai trò là nơi cách ly và điều trị dịch COVID-19, Chính phủ Nam Phi đã cung cấp các trang thiết bị cần thiết để cách ly và chữa trị COVID-19 tại các cơ sở y tế ở cả 9 tỉnh của nước này./.