Cải thiện môi trường kinh doanh hay thay đổi cách thực thi rào cản?

‘Dường như sự thay đổi trong hoạt cải cách còn chậm chạp và khá ít. Thêm vào đó, điều đáng lo ngại là có xu hướng mở rộng thậm chí chỉ là thay đổi cách thức thực thi các rào cản kinh doanh.’
Các chuyên gia tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách." (Ảnh: PV/Vietnam+

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (từ năm 2014 đến năm 2018), năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện tích cực. Tuy nhiên, theo xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 70/190 nền kinh tế được khảo sát. Và, mặc dù đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) song Việt Nam có khoảng cách xa so với ngôi vị thứ hai Singapore và Malaysia là 12, Thái Lan là 21 và chỉ gần được với Brunei ở vị trí thứ 66.

[Kết nối startup vùng ĐBSCL với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo]

Trong bối cảnh đó, ngày 28/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách."

Cải cách có xu hướng chững lại

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện nhưng trong 2 năm gần đây đã bắt đầu chậm lại khi các thứ hạng giảm mỗi năm một bậc. Cụ thể, nếu như thứ hạng của Việt Nam ghi nhận sự cải thiện tích cực lên vị trí 68 (năm 2017) từ điểm xuất phát 82 (năm 2016) thì sau đó lại lùi về thứ 69 (năm 2018) và dừng ở 70 (năm 2019).

Theo bảng xếp hạng trong 4 năm qua, Việt Nam có hai chỉ số duy trì mức độ cải thiện vượt trội là tiếp cận điện tăng 69 bậc (từ 96 lên 27), nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc (từ 167 lên 109). Ngoài ra, chỉ số tiếp cận tín dụng cũng tăng 7 bậc (từ 32 lên 25), giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 6 bậc (từ 69 lên 62)…

Nhưng bên cạnh đó, bốn lĩnh vực quan trọng đã giảm bậc là giao dịch qua biên giới rơi 11 nấc (từ 93 xuống 104), bảo vệ cổ đông thiểu số tụt 10 bậc (từ 87 lên 97), đăng ký tài sản lùi 5 bậc (từ 99 xuống 84), cấp phép xây dựng giảm 1 bậc (từ 24 xuống 25).

“Dường như, sự thay đổi trong hoạt cải cách còn chậm chạp và khá ít. Thêm vào đó, điều đáng lo ngại là có xuất hiện xu hướng mở rộng thậm chí chỉ là thay đổi cách thức thực thi các rào cản kinh doanh,” bà Thảo nhận định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại

Bà Thảo chỉ ra nhân dẫn đến sự tụt hạng ở những nhóm chỉ số trên do xu hướng các văn bản pháp luật đang thể hiện “sự chia phần” quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Một minh chứng ví dụ được bà Thảo dẫn ra: Các thiết bị áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn (TCVN 4244:2005 và QCVN 7:2012) thì thẩm quyền của Bộ Xây dựng là “cần trục tháp,” thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội là “ thiết bị nâng, các cẩu trục còn lại” và thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải là “các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt.”

Theo bà Thảo, việc cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rất chậm. Ví dụ như trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ chậm cải cách mà ngày càng có khoảng cách so với các nước trong khu vực. Chưa kể, một số văn bản mới được ban hành đang đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

“Trong thực tế, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với doanh nghiệp. Thêm vào đó, chi phí không chính thức còn diễn ra phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Trong cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi của các bên là khác nhau cộng với tình trạng tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật vẫn diễn ra khiến cho phần thua luôn thuộc về doanh nghiệp,” vị chuyên gia này thẳng thắn nhìn nhận.

Chia sẻ điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định các kết quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua là đáng khích lệ. Song, khảo sát ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng cho thấy, môi trường kinh doanh còn gặp nhiều phiền hà về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp rất khó tiếp cận thông tin về quy hoạch và thiếu quỹ đất sạch.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho hay, những thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp” cũng đang trở nên nhức nhối, khi mà 16% doanh nghiệp cho biết họ phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ các giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động, 31% doanh nghiệp tiết lộ phải trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp và 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

“Niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp còn thấp. Một khảo sát thực hiện năm 2018 cho thấy chưa tới 50% doanh nghiệp cân nhắc sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh,” ông Tuấn chia sẻ.

Với thực trạng trên, bà Thảo cho rằng, cải cách trước hết phải đến từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ.

“Theo đó, các cấp, các ngành cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ xác định về cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý và kiểm tra chuyên ngành,” bà Thảo nhấn mạnh./.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục