Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014 đang tới gần với khí thế, vận hội mới, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về những kết quả nổi bật cũng như những cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
- Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã trả lời phỏng vấn TTXVN.
Thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2013 - năm bản lề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức. Phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới và trách nhiệm, Quốc hội đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Xin Chủ tịch Quốc hội cho biết những kết quả chủ yếu trong hoạt động của Quốc hội năm vừa qua và những dấu ấn nổi bật của nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Gần ba năm qua, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tồn kho, nợ xấu ở mức cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta đã từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển.
Đến nay, tình hình kinh tế-xã hội đã chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ xấu, lãi suất giảm, dự trữ ngoại hối tăng; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững, đối ngoại tiếp tục mở rộng… Những kết quả này là rất đáng trân trọng, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Nhìn lại nửa chặng đường đã qua, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kế thừa, phát huy kết quả hoạt động của Quốc hội các khóa trước, nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành các nhiệm vụ mà cử tri giao phó.
Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều dự án luật được thông qua và cho ý kiến để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt, trong năm qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế, chính trị và hội nhập quốc tế .
Có thể nói, hoạt động Quốc hội thấm đẫm hơi thở của cuộc sống trong một thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức. Phát huy trí tuệ của đại biểu Quốc hội, nhiều giải pháp quan trọng về quốc kế, dân sinh đã được thảo luận và quyết định. Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, quản lý, điều hành đất nước, giải quyết những bức xúc của người dân, được đông đảo cử tri hoan nghênh.
Công tác giám sát có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hoạt động báo cáo giải trình cũng được chú trọng triển khai ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, kịp thời làm sáng tỏ các vấn đề vướng mắc, bức xúc trong cuộc sống để có giải pháp khắc phục. Hoạt động chất vấn được cải tiến, thực chất hơn, tạo điều kiện để các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành giải trình, thảo luận cùng với các đại biểu Quốc hội đưa ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc, được cử tri quan tâm.
Các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội tiếp tục giám sát thực hiện tại các kỳ họp sau nhằm bảo đảm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống. Những thay đổi này là rất quan trọng, được cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội hết sức đồng tình.
Hoạt động ngoại giao nghị viện cả song phương và đa phương tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế: AIPA, APPF, IPU, ASEP…, góp phần vào thành tựu chung đạt được trong công tác đối ngoại của đất nước. Sự kiện đáng chú ý là tháng 3/2013, Hội đồng Điều hành - Cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã thông qua việc Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào đầu năm 2015.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức IPU-132 đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đảm bảo tổ chức thành công sự kiện ngoại giao nghị viện mang tầm quốc tế này.
- Bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Xin Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những nét mới cơ bản của bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua và những việc cần triển khai để Hiến pháp nhanh chóng phát huy tác dụng trong cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Trong không khí trang trọng, đầy trọng trách, hồi 9 giờ 50 phút ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tâm huyết và cách làm khoa học, Quốc hội đã dành ba kỳ họp thứ 4, thứ 5 và thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến; lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và tiếp thu thấu đáo để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị.
Trong lịch sử lập hiến của nước ta, hiếm có cuộc sinh hoạt chính trị-pháp lý nào được nhân dân trong và ngoài nước quan tâm, tham gia đóng góp một cách đông đảo, dân chủ và sâu rộng như vậy. Hiến pháp có nhiều điểm mới quan trọng cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Trước hết, Hiến pháp đã thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc về chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; xác định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân;” tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời làm rõ và sâu sắc hơn bản chất tiên phong của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Hiến pháp mới cũng thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, làm cơ sở hiến định cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường.
Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức. Dựa trên nền tảng đó, bộ máy nhà nước đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Một điểm mới, quan trọng nữa là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp với tư cách là các thiết chế Hiến định. Việc ra đời hai thiết chế này nhằm tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử.
Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay. Việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Quốc hội đã có Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, giao trách nhiệm cho Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị tổ chức thi hành Hiến pháp, tuyên truyền phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp, nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp; đồng thời Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ để bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, nguyện vọng của cử tri, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, Quốc hội cần cải tiến, đổi mới những vấn đề gì, thưa Chủ tịch Quốc hội?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Những cải tiến, đổi mới của Quốc hội tại các kỳ họp gần đây đã được cử tri ghi nhận đồng tình, thể hiện niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội và sự lãnh đạo của Đảng. Để các đạo luật của Quốc hội sát với thực tiễn hơn; những vấn đề đặt ra trên bàn nghị sự đáp ứng thiết thực yêu cầu, nguyện vọng người dân thì còn nhiều việc phải làm. Mỗi đại biểu Quốc hội phải tích cực lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nêu cao trách nhiệm đại biểu trước nhân dân.
Cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội là chủ đề “mở,” bám sát diễn biến thực tế của đất nước và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, song hành với những khó khăn, vất vả của nhân dân để đem lại cho cử tri niềm tin tưởng về một Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ và đổi mới.
Để hoạt động ngày một hiệu quả thì Quốc hôi tự đổi mới thôi là chưa đủ, mà cần huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân vào công việc của đất nước. Mỗi ý kiến, mỗi vấn đề được đặt lên bàn nghị sự phải có tính thực tiễn cao, giải quyết những vấn đề mà thực tế đặt ra; phải làm sao tháo gỡ khó khăn trong sản xuất-kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Hai năm tới 2014-2015, cả nước bước vào giai đoạn “nước rút,” hoàn tất nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức cả khách quan và chủ quan, Quốc hội cần làm gì để đáp ứng tốt hơn niềm tin, lòng mong đợi của đồng bào, cử tri cả nước?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Trong một vài năm tới, kinh tế thế giới có khả năng phục hồi nhưng chưa vững chắc. Ở trong nước, nguy cơ lạm phát còn tiềm ẩn; cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn; nợ công cao, thị trường tài chính, bất động sản chưa hồi phục, nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là người nghèo, người lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Những bất cập trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa khó khắc phục trong thời gian ngắn. An ninh-quốc phòng vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục được quan tâm giải quyết. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do với EU và với các đối tác lớn khác, mở ra cho nước ta những thuận lợi và cơ hội phát triển mới cùng nhiều thách thức và áp lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần kiên định mục tiêu cho giai đoạn 2014-2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2014-2015, khối lượng công việc của Quốc hội về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng là rất lớn; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hệ thống chính trị.
Tôi tin rằng, với tinh thần tiếp tục đổi mới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thực hiện tốt hơn vai trò của người đại biểu nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2014-2015.
Nhân dịp này, qua TTXVN - Hãng thông tấn quốc gia, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thân ái gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, tới đồng bào, chiến sỹ và cử tri trên mọi miền đất nước từ biên cương, hải đảo xa xôi đến thành thị và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mỗi gia đình đón xuân mới thật vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong năm Giáp Ngọ.
Tôi chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã đồng hành với Quốc hội, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri; mong đồng bào, đồng chí, các cơ quan thông tấn, báo chí và cử tri cả nước tiếp tục ủng hộ để Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri đã tin tưởng giao phó.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội! Kính chúc Chủ tịch Quốc hội cùng gia đình một mùa xuân mới an khang, hạnh phúc và thành công!