Cải tiến quy tắc chỉ số HoSE-Index theo yêu cầu của thị trường

HoSE sẽ thực hiện chỉnh sửa bộ Quy tắc chỉ số, bao gồm công thức đo lường thanh khoản, điều kiện sàng lọc free-float, thành phần rổ tính VN30.
Cải tiến quy tắc chỉ số HoSE-Index theo yêu cầu của thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ đầu năm 2012, Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã triển khai ra thị trường chỉ số VN30 (chỉ số của 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn hàng đầu niêm yết trên sàn HoSE). Tiếp sau đó, các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare lần lượt ra mắt thị trường (năm 2014) và 10 chỉ số ngành theo chuẩn GICS® cũng được HoSE tính toán triển khai vào năm 2016.

Theo đại diện HoSE, để các chỉ số có thể phản ánh tốt hơn về những thay đổi của thị trường, phù hợp với tình hình thanh khoản, sau 4 năm vận hành, đảm bảo độ ổn định của rổ chỉ số, sau 4 năm vận hành HoSE đã tiến hành xem xét và thực hiện chỉnh sửa Quy tắc chỉ số.

Công thức đo lường thanh khoản

Cụ thể, thay đổi công thức đo lường thanh khoản của cổ phiếu từ phương pháp bình quân sang phương pháp trung vị và mở rộng thời gian tính từ 6 tháng sang 12 tháng nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các giá trị bất thường và gia tăng chất lượng thanh khoản của Bộ chỉ số HoSE-Index

Đại diện này cho biết, quy tắc hiện tại sử dụng bình quân giá trị giao dịch hàng ngày của 6 tháng gần nhất. Song, quy tắc cải tiến sẽ sử dụng bình quân của trung vị giá trị giao dịch hàng ngày trong tháng của 12 tháng gần nhất.

“Việc tăng khung thời gian xem xét và sử dụng phương thức trung vị sẽ giúp giảm bớt tác động của các biến động mang tính thời điểm. Áp dụng quy tắc mới sẽ khiến việc sàng lọc vào HoSE-Index nghiêm ngặt hơn, số lượng cổ phiếu bị loại do thanh khoản tăng gấp đôi so với quy tắc cũ. Chất lượng thanh khoản của các cổ phiếu trong Bộ chỉ số HoSE-Index cũng được nâng cao đáng kể,” vị này nhấn mạnh.

Điều kiện sàng lọc free-float

Việc thay đổi điều kiện sàng lọc free-float [Tỷ lệ free-float là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường-PV] sẽ tăng tính đại diện của Bộ chỉ số HoSE-Index, điều này đáp ứng các điều kiện đặc thù của thị trường Việt Nam.

Cụ thể, quy tắc hiện tại các cổ phiếu có tỷ lệ free-float nhỏ hơn 5% sẽ bị loại khỏi Bộ chỉ số. Những cổ phiếu có tỷ lệ free-float từ 5% đến 10% sẽ được xem xét đưa vào Bộ chỉ số khi giá trị vốn hóa thuộc top-10 thị trường. Quy tắc này nhằm đảm bảo tính có thể đầu tư được của các cổ phiếu thành phần HoSE-Index.

Tuy nhiên với đặc thù của thị trường Việt Nam, cổ đông Nhà nước vẫn còn nắm giữ phần lớn sở hữu của đa số doanh nghiệp sau cổ phần hóa dẫn đến nhiều công ty có quy mô vốn hóa rất lớn nhưng tỷ lệ free-float lại rất nhỏ.

Ví dụ như cổ phiếu BID và GAS là 2 mã cổ phiếu đã bị loại khỏi Bộ chỉ số theo trường hợp nói trên (free-float của BID và GAS đều <5%) mặc dù xét về thực tế, giá trị vốn hóa sau điều chỉnh free-float và giá trị giao dịch của GAS và BID vẫn rất lớn hơn nhiều so với một số cổ phiếu trong VN30.

Do đó, để đáp ứng các điều kiện đặc thù thị trường, Hội đồng chỉ số của HoSE đã thống nhất cải tiến quy tắc theo hướng chọn lọc các cổ phiếu có tỷ lệ free-float lớn hơn 10% tham gia vào chỉ số, đồng thời áp dụng điều kiện ngoại trừ đối với những cổ phiếu có tỷ lệ free-float từ 10% trở xuống nhưng có giá trị vốn hóa sau điều chỉnh free-float lớn hơn mức trung vị của top 90% giá trị vốn hóa free-float của thị trường.  

“Điều chỉnh này sẽ giúp tăng mức đại diện thị trường của Bộ HoSE-Index lên thêm hơn 15% về giá trị vốn hóa (cụ thể là chỉ số VN30), mà vẫn đảm bảo các cổ phiếu thành phần của HoSE-Index đạt chuẩn có thể đầu tư,” đại diện HoSE khẳng định.

Thành phần rổ tính VN30

Một trong những thay đổi lần này của HoSE, hướng tới cách chọn cổ phiếu thành phần của chỉ số VN30 nhằm tăng độ ổn định và mức đại diện thị trường cho chỉ số VN30.

Nếu theo quy tắc hiện tại, cổ phiếu thành phần VN30 sẽ được lựa chọn dựa trên giá trị giao dịch sau khi đạt một chuẩn nhất định về giá trị vốn hóa.

Phương thức này đảm bảo VN30 sẽ bao gồm các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trong nhóm các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất.

Tuy nhiên trên thực tế, khi thanh khoản thị trường càng ngày cải thiện bên cạnh đó thanh khoản của các cổ phiếu hầu như đáp ứng mức có thể đầu tư, việc chọn rổ VN30 dựa trên giá trị giao dịch có thể dẫn đến thành phần rổ VN30 biến động vì giá trị giao dịch dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài thị trường.

Do đó, Quy tắc cải tiến mới đảm bảo quy trình chọn lọc rổ thống nhất theo thông lệ quốc tế đối với các chỉ số theo quy mô vốn hóa, cụ thể là giá trị vốn hóa sẽ là tiêu chí chính để chọn lọc các cổ phiếu theo từng quy mô chỉ số.

Riêng đối với thị trường Việt Nam, Hội đồng chỉ số thống nhất cho rằng để đảm bảo VN30 là chỉ số có thanh khoản cao nhất, các cổ phiếu thành phần của chỉ số này phải đạt chuẩn nhất định về giá trị giao dịch (lớn hơn giá trị tối thiểu của top 90% giá trị giao dịch của VNAllshare). Mà qua dữ liệu mô phỏng theo quy tắc mới đã cho thấy độ ổn định của VN30 đã tăng đáng kể so với quy tắc trước đây, tạo thuận lợi cho các quỹ đầu tư xây dựng sản phẩm dựa trên chỉ số.

Thanh khoản tăng 2,5 lần

Tính đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng có sự cải thiện rõ rệt về quy mô và thanh khoản.

Thống kê từ HoSE, tại thời điểm triển khai VN30 vào năm 2012, mức thanh khoản của thị trường HoSE còn hạn chế với tổng giá trị giao dịch bình quân dao động trong khoảng 800 tỷ đồng đến 900 tỷ đồng/ngày.

Năm 2014, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên HoSE tăng lên 2.172 tỷ đồng/ngày, gấp 2,5 lần so với lúc triển khai, đến năm 2015 đạt 1.934 tỷ đồng/ngày và 3 tháng đầu năm 2016 đạt 2.188 tỷ đồng/ngày.

Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân tính trên các chỉ số tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, Giá trị giao dịch bình quân của VN30 của kỳ 2/2015 đạt 1.071 tỷ đồng/ngày và tăng 206% so với kỳ 1/2012. Giá trị giao dịch bình quân của VNMidcap và VNSmallcap của kỳ 2/2015 lần lượt đạt 465 tỷ đồng /ngày và 208 tỷ đồng/ngày, tăng 139% và 68% so với đầu kỳ 1/2014.

Như vậy, trung bình cứ mỗi kỳ VN30 đã tăng 15%, VNMidcap tăng 24,37% và VNSmallcap tăng 13,79%.

Về quy mô vốn hóa, Báo cáo thống kê cho biết quy mô thị trường cuối năm 2015 đã đạt hơn 1,1 triệu tỷ VND, tăng hơn 150% so với đầu năm 2012.

Trên thị trường, giá trị vốn hóa của các rổ chỉ số cũng tăng ổn định qua các kỳ. Như, giá trị vốn hóa bình quân rổ chỉ số VN30 tăng 74% từ khoảng 411.000 tỷ đồng vào kỳ 1-2012 lên đến khoảng 716.000 tỷ đồng vào kỳ 2-2015, trung bình mỗi kỳ tăng 7,16%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục