Trong Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, nhiều sự kiện đã được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới nhằm phản ánh thực trạng nhiều phụ nữ đang là nạn nhân của nạn bạo hành, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp để bảo vệ "một nửa của thế giới."
Từ cuối tuần đến nay, hàng trăm nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều thủ đô và thành phố lớn của các nước như Mỹ, Pháp, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Guatemala, Nga, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ..., với những biểu ngữ phản đối tình trạng bạo hành nữ giới và kêu gọi bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.
[Các nạn nhân bị cưỡng hiếp diễn thời trang thể hiện sức mạnh phụ nữ]
Cũng trong ngày 25/11, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã công bố một số biện pháp cụ thể cũng như đưa ra cam kết kiên quyết đấu tranh chống nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em gái.
Chính phủ Pháp công bố một số biện pháp mới để chống nạn bạo hành và tình trạng phụ nữ bị chính người bạn đời hay người yêu sát hại.
Cụ thể, các cơ quan chức năng Pháp sẽ huy động 360 triệu Euro (khoảng 395 triệu USD) để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình. Số tiền này sẽ được chi cho các dự án giáo dục, bảo vệ các nạn nhân bị bạo hành cùng con em họ và giám sát những đối tượng bạo hành.
Ngoài ra, chính phủ có kế hoạch huy động thêm 1 tỷ euro trong năm 2020 để cải thiện vấn đề bình đẳng giới.
Các quy định cho phép nhân viên y tế chia sẻ thông tin với cơ quan điều tra về những trường hợp phụ nữ bị bạo hành cũng được cân nhắc xem xét.
Tại Mexico, Bộ trưởng Nội vụ nước này, Olga Sanchez đã tuyên bố quyết tâm chấm dứt tình trạng bạo lực giới sau khi một báo cáo cho thấy trong năm 2018, số phụ nữ bị sát hại tăng hơn 10% so với năm trước đó lên 809 trường hợp.
Tại Nam Phi, nơi ghi nhận cứ 3 giờ lại có 1 phụ nữ bị sát hại, Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa đã khởi động chiến dịch xóa bỏ tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ, hối thúc nam giới thay đổi thói phân biệt giới tính và gia trưởng - yếu tố làm gia tăng bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 9, bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái là một đại dịch toàn cầu ảnh hưởng đến 33% phụ nữ.
Báo cáo cho biết có 35% phụ nữ trên toàn thế giới từng bị bạo hành cả tinh thần và thể xác, 7% nữ giới bị xâm hại tình dục mà thủ phạm không phải là bạn tình, có tới 38% vụ sát hại phụ nữ do bạn tình gây ra và có tới 200 triệu phụ nữ bị cắt âm vật.
Tại nhiều nước, tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ đã khiến kinh tế các nước này thiệt hại lên tới 3,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gấp 2 lần so với ngân sách chi cho giáo dục của chính phủ các nước.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ giảm bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi một cách tiếp cận dựa trên cộng đồng, đa hướng và sự gắn kết bền vững với các bên liên quan.
Mặc dù từ năm 2000, Đại Hội đồng Liên hợp quốc mới thông qua nghị quyết lấy ngày 25/11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, song những nỗ lực để chấm dứt tình trạng phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi, hành hạ về tâm lý, cưỡng bức, quấy rối, bị buôn bán… đã kéo dài được 4 thập niên, từ khi Liên hợp quốc năm 1979 thông qua Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này ở quy mô toàn cầu vẫn là một chặng đường dài.
Tính đến nay, chỉ có khoảng 60% các quốc gia trên toàn thế giới có điều luật chống lại bạo lực gia đình, trong khi có 37 quốc gia vẫn miễn truy tố thủ phạm cưỡng bức nếu họ kết hôn hoặc sẽ kết hôn với nạn nhân và có 49 quốc gia hiện không có luật bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình; 71% nạn nhân buôn người trên thế giới là phụ nữ và trẻ em gái, và 75% trong số này bị bóc lột tình dục./.