Khi có thông tin cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước sẽ cấm hẳn việc phát ấn Đền Trần, dư luận như đang có nhiều chiều bàn bạc. Để giúp bạn đọc cùng nhìn nhận đúng đắn về sự việc, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn với một nhà văn có uy tín cao chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, một nhà văn hoá dân gian và một nhà nghiên cứu lịch sử để có được những ghi nhận dưới đây.
"Phát ấn là cả một câu chuyện bịa" Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Bão táp triều Trần” về đời nhà Trần và cũng chính là tác giả của bộ sách về tám đời vua Lý, là địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến. Khi được hỏi về việc khai ấn, ông nói: "Đó là cả một câu chuyện bịa. Từ xưa chưa hề có sử sách nào viết về lệ khai ấn cả. Tôi xin chịu trách nhiệm về ý kiến này. Nếu có chuyện khai ấn thì là sau Tết Thượng nguyên, người thủ ấn (người giữ ấn) sẽ tự làm việc đó. Chứ làm gì có việc đóng hàng loạt cho khắp bàn dân thiên hạ. Hãy đọc 'Lịch triều hiến chương loại chí' của nhà sử học Phan Huy Chú mà xem, nếu có lệ thì chắc chắn đã được ghi trong đó. Chuyện bịa mà cũng cứ 'tự phát triển.' Chỉ những năm gần đây rộ lên, trước đây không hề có. "Nếu trong lịch sử có lệ khai ấn, phát dấu in ấn như vậy thì thời Lê, thời Nguyễn gần đây hơn cũng có lệ đó chứ. Về mặt vật chất, ấn tín của các triều đại này còn có lưu giữ được mà có thấy đóng ấn gì đâu. Không có gì khẳng định ấn triều Trần là của thật. "Bây giờ thì ngày thường cũng có thể mua dấu ấn ở đền Trần với giá 50 nghìn đồng. Thật là nhố nhăng! Nhố nhăng nhất là họ không phát mà lại bán, lại buôn đi bán lại. Phong tục do con người đặt ra, tục không đẹp thì không là phong tục được. Cấm là đúng." “Có thể cấm tạm thời chờ dân trí... lên” PGS.TS Lê Trường Phát - Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội nói về suy nghĩ của ông khi biết thông tin sẽ cấm phát ấn đền Trần: "Đầu tiên, tôi nghĩ ngay tại sao lại cấm. Và tôi cũng như nhiều người đều biết rằng việc đổ xô xin ấn đền Trần đã trở thành một cái họa về an ninh trật tự cho địa phương đó. "Đồng thời cũng thành một thứ tín ngưỡng phát sinh vô lối rằng đến đó là được thăng quan tiến chức. Việc chen nhau, giẫm đạp đầy nguy hiểm ấy cho thấy dân trí ở ta còn thấp. Nói vậy, theo tôi lệnh cấm này có thể là tạm thời trong một thời gian. Khi nào dân trí khá lên thì có thể khôi phục. Nhưng với tình hình này, tôi nghĩ khó mà nói được thời hạn tạm thời đó là bao nhiêu. "Cách cụ thể để dân trí 'khá' lên được là cần tuyên truyền kiên trì về việc xin ấn sao cho thiêng liêng, quý giá chứ không phải là thứ ào ạt, mua thậm chí cố ý mua như cướp bằng được. Thăng tiến kiểu gì mà năm nào cũng nhảy vọt thế. "Tôi nghĩ rằng nếu trong những giai đoạn nào đó của sự nghiệp phát triển của một cá nhân, khiến trong tâm nguyện của họ thấy cần có sự hỗ trợ tâm linh tạo những bước chuyển rất lớn thì mới về đền Trần xin ấn. Như vậy mới thiêng chứ năm nào cũng kéo nhau đi chen lấn mua bằng được thì không nên. "Lại còn sinh ra việc có những người buôn ấn, trao tay cho nhau nữa chứ. Kỳ dị hết sức. Họ nghĩ gì về ước vọng, về sự tôn kính, trân trọng với lịch sử thì mới thiêng liêng chứ cứ ào ào mua lấy được thì thật không ra làm sao. "Hãy nhìn trai gái dập dìu kéo nhau đi xin ấn mà chả hiểu gì. Lại có những người đi mua về cả loạt chia tặng lung tung cả. Họ hoàn toàn không biết gì về các vua Trần hay có ý thức về các anh hùng dân tộc trong lịch sử. Không tin hãy chặn lại một đám người đến đền Trần xin ấn hỏi họ có biết triều Trần vào thế kỷ bao nhiêu không, khối người không biết đấy. "Nếu mất gốc hiểu biết văn hóa, thiếu kiến thức lịch sử trầm trọng như vậy thì thật đáng buồn. Việc đua nhau chen chân, gây mất an ninh trật tự cả một vùng, lại có thể bị xô đẩy rước hoạ vào thân thì đi cố xin ấn phỏng ích gì?" "Có phát đâu mà là bán ấn đấy chứ"
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Trưởng bộ môn Khảo cổ học, khoa Sử, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cùng những người có liên quan đã lắng nghe những ý kiến trước đây của nhiều nhà khoa học, văn hóa. Quyết định cấm phát ấn Đền Trần là một phản hồi tích cực. "Chuyện khai ấn là riêng, việc phát ấn đền Trần cho các đền xung quanh đã được ghi trong sử, còn việc phát ấn đại trà mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây. "Khai ấn là một nghi lễ kiểu như kết thúc một năm cũ, bao giờ cũng có một thời gian ngừng nghỉ để chuẩn bị thời gian mới nên người ta cất ấn nghĩa là cất cái cũ đi và khai ấn nghĩa là bắt đầu cái mới. "Phát ấn tràn lan, mà theo tôi không nên dùng chữ phát vì có phát đâu mà là bán ấn đấy chứ. Chủ yếu, những người quản lý đã làm cho chuyện án mang màu sắc thương mại quá đáng. Nếu không quản lý được thì cấm nhưng theo tôi, việc ngừng phát ấn không phải là cấm mà là đúng với lệ ngày xưa., chỉ phát cho những đền xung quanh. "Chúng ta phải công bằng nhìn nhận, việc phát ấn mấy năm gần đây có thực sự có vai trò mang tính tích cực về văn hóa hay không?"
Bộ trưởng Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch và tỉnh Nam Định đã có buổi làm việc và đi đến kết luận sẽ không phát ấn đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng như hàng năm. Tục lệ khai ấn là có thật; còn việc phát ấn rộng rãi như hiện nay thì chưa tìm thấy tư liệu nào đáng tin cậy ghi nhận. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết luận: Lễ khai ấn tại đền Trần phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống. Không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với cơ quan chức năng, UBND thành phố Nam Định cùng với chính quyền sở tại nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý, tổ chức lễ hội nơi đây; đồng thời đề xuất theo hướng vẫn tiếp tục duy trì lễ khai ấn, còn việc phát ấn rộng rãi cho nhân dân cần hết sức thận trọng. Sau đêm khai ấn, đền Trần sẽ tiếp tục phát ấn cho nhân dân hay sẽ dừng lại sẽ có câu trả lời chính xác vào thời gian tới, sau khi cơ quan hữu trách đã bàn bạc với Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật. |
Nguyễn Anh-Thúy Mơ (Vietnam+)