Campuchia bảo vệ hành động pháp lý của tòa án chống thủ lĩnh đối lập

Một tòa án Campuchia đã đề nghị cảnh sát bắt Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha sau khi ông này hai lần từ chối ra tòa trong một vụ kiện liên quan đến người được cho là nhân tình của ông.
Campuchia bảo vệ hành động pháp lý của tòa án chống thủ lĩnh đối lập ảnh 1Phó Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) Kem Sokha trả lời phỏng vấn báo chí. (Nguồn: voacambodia.com)

Ngày 2/6, Campuchia đã lên tiếng bảo vệ tòa án nước này khi có hành động pháp lý nhằm vào Phó Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) Kem Sokha, người bị cáo buộc đã phớt lờ lệnh triệu tập của tòa án liên quan tới vụ kiện của người được cho là nhân tình của ông ta.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết tại các nước dân chủ, nhất là Mỹ hoặc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), những người từ chối ra hầu tòa theo lệnh triệu tập của tòa án đều lĩnh án phạt và Campuchia cũng làm như vậy. Bộ trên khẳng định, do vậy, những cáo buộc "nhũng nhiễu tư pháp" chống một số chính trị gia là hoàn toàn vô căn cứ, đồng thời chỉ trích một số đại diện của các phái bộ ngoại giao vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Bộ Ngoại giao Campuchia đưa ra tuyên bố trên sau khi các đại diện của Mỹ và EU kêu gọi chính phủ Campuchia ngừng sử dụng hệ thống tư pháp để "nhũng nhiễu" các đối thủ chính trị.

Trước đó ngày 26/5, một tòa án Campuchia đã đề nghị cảnh sát bắt ông Kem Sokha sau khi ông này hai lần từ chối ra tòa (vào ngày 17/5 và 25/5) trong một vụ kiện liên quan đến người được cho là nhân tình của ông. Tòa án này đã cáo buộc ông Sokha tội không tuân thủ lệnh của tòa án theo điều 538 của Bộ Luật hình sự. Với cáo buộc trên, ông Sokha có thể ngồi tù từ 1 đến 6 tháng.

Lệnh triệu tập Kem Sokha được phát ra sau khi Khom Chandaraty, thợ cắt tóc 25 tuổi và được cho là người tình của ông Kem Sokha, thừa nhận có quan hệ với ông hồi tháng 4. Theo Khom Chandaraty, Phó Chủ tịch đảng CNRP đã hứa cho cô 3.000 USD để mua nhà và mở cửa hiệu song ông này đã thất hứa. Khom Chandaraty kiện ông Kem Sokha và yêu cầu được đền bù 300.000 USD.

Vụ việc trên bị vỡ lở hồi tháng 2 khi các đoạn ghi âm cuộc nói chuyện trên điện thoại giữa hai người bị rò rỉ. Ông Kem Sokha không có bất kỳ phát biểu công khai nào về vụ việc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục