Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Chính phủ Campuchia vừa thông báo biện pháp hỗ trợ lương tối thiểu cho người lao động làm việc trong ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Báo Khmer Times sáng 2/4 dẫn thông cáo của Chính phủ Campuchia cho hay chính phủ sẽ hỗ trợ 20% lương tối thiểu cho lao động làm việc trong ngành du lịch nước này.
Những người được nhận hỗ trợ tài chính là những lao động phải tạm nghỉ việc ở khách sạn, nhà khách, nhà hàng và các hãng lữ hành.
Những lao động này cũng được yêu cầu tham gia khóa tập huấn ngắn hạn của Bộ Du lịch và các khoản thanh toán cho lao động trong ngành du lịch được trả qua Quỹ An sinh xã hội quốc gia.
Bà Chenda Clais, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Campuchia, cho hay có khoảng 650.000 lao động ngành du lịch làm việc trong các khách sạn, nấu ăn, lái xe, hướng dẫn viên, nhân viên các hãng lữ hành.
Tuy nhiên, con số này đã giảm bớt do một số hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng trong mùa dịch.
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Chính phủ Campuchia sẽ miễn thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch ở các thành phố như Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville, Kep, Kampot, Bavet và Poipet cho đến tháng 5.
Trong báo cáo kinh tế cập nhật mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế thực tế của Campuchia có thể chỉ đạt khoảng 2,5% năm nay do tác động của đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhằm thực hiện chiến lược của Chính phủ Thái Lan đẩy lùi tình trạng thiếu khẩu trang, Bộ Công nghiệp Thái Lan thông báo lô khẩu trang vải phát miễn phí cho người dân đầu tiên gồm 1 triệu chiếc sẽ được gửi tới các hộ gia đình ở thủ đô Bangkok qua đường bưu điện vào ngày 8/4.
[Thái Lan: Bangkok đóng cửa tất cả các cửa hàng từ nửa đêm đến 5h sáng]
Truyền thông sở tại ngày 2/4 dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Jungrungreangkit cho biết cứ mỗi 15 ngày, chính phủ sẽ gửi 2,5 triệu khẩu trang với mục tiêu phân phát tổng cộng 10 triệu chiếc.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, thủ đô Bangkok có 3.050.000 hộ gia đình với 5.600.000 người ở 50 quận.
Bộ trưởng Suriya cho biết mỗi người dân Bangkok sẽ nhận được 1 chiếc khẩu trang vải, phần còn lại 4.400.000 chiếc sẽ được phân phát cho các tỉnh lân cận cũng như các tỉnh ở vùng cực Nam như Narathiwat, Yala và Pattani.
Chính phủ Thái Lan cho biết quốc gia Đông Nam Á này không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo, bất chấp những lo ngại về an ninh lương thực đang ngày càng tăng lên trên thế giới.
Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách và chiến lược thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Pimchanok Vonkorpon cho biết TPSO đang theo dõi các thị trường gạo toàn cầu khi mà nhiều nước xuất khẩu gạo chủ chốt như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam ngừng xuất khẩu gạo để đảm bảo đủ lương thực tiêu dùng nội địa.
Bà Pimchanok nói rằng Thái Lan không thể bị thiếu hụt lương thực hoặc gạo vì nhu cầu tiêu dùng nội địa chiếm 50% tổng sản lượng, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm có 32% sản lượng gạo mỗi năm và phần còn lại để lưu kho.
Ngay cả khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tăng vì có nhiều người ở nhà hơn thì thiếu hụt cũng không thể xảy ra.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Quốc gia Đông Nam Á này sản xuất hơn 20 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó khoảng 10 triệu tấn để tiêu dùng trong nước và phần còn lại để xuất khẩu.
Trong khi đó, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse nói rằng cùng với sự lây lan của dịch COVID-19 trên khắp thế giới, nhiều nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo như Indonesia, Philippines và Singapore đã tăng cường an ninh lương thực trong nước, nhưng Thái Lan không có dấu hiệu nào cho thấy hạn chế xuất khẩu gạo.
Nhu cầu gạo toàn cầu đã tăng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đẩy giá gạo tăng thêm 30-50 USD mỗi tấn kể từ đầu năm nay. Giá gạo nội địa ở Thái Lan cũng tăng theo, từ 11.500 baht (347,54 USD)/tấn lên 17.000 baht (513,75 USD)/tấn.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ đang cân nhắc bắt đầu kỳ nghỉ lễ quốc gia mới nhằm tránh việc di chuyển trên quy mô lớn thường diễn ra vào tháng lễ ăn chay của đạo Hồi trong bối cảnh có nhiều quan ngại về nguy cơ lây lan COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Widodo nêu rõ sẽ áp dụng một số biện pháp trong kỳ nghỉ lễ mới như miễn phí hoàn toàn các điểm du lịch để trấn an người dân.
Indonesia có 90% dân số theo đạo Hồi. Trong dịp lễ Eid al-Fitr kỷ niệm kết thúc tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo nước này thường trở về nhà. Lễ Ramadan năm nay diễn ra vào tháng 4 và tháng 5./.