Có một câu nói của người Khmer rằng: “Ở đâu có nước, ở đó có cá. Ở đâu có đất, ở đó có người Trung Quốc.”
Câu nói này phản ánh sự hiện diện lâu dài của người Trung Quốc ở Campuchia từ nhiều thế kỷ trước, bằng chứng là các tài liệu lịch sử và các bức chạm khắc trên các đền nổi tiếng.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc ở Campuchia ngày nay là chưa từng có về quy mô và cường độ về con người, viện trợ đầu tư và phát triển, tất cả đều bắt đầu từ đầu những năm 2000.
Ước tính số lượng công dân Trung Quốc cư trú tại Campuchia vào khoảng 700.000 người tại thời điểm cao nhất năm 2019, chưa kể 2 triệu khách du lịch Trung Quốc hàng năm đến thăm đất nước này.
Tổng đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia năm 2019 là 9 tỷ USD và thương mại song phương đạt 8,53 tỷ USD cùng năm. Viện trợ tài chính của Trung Quốc cho Campuchia đạt 5,27 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2018, và thêm 600 triệu USD trong các năm 2019-2021.
Sự can dự của Trung Quốc với các quốc gia như Campuchia dựa trên “quyền lực mềm,” phát sinh từ sức hấp dẫn của văn hóa, lý tưởng chính trị và chính sách của một quốc gia.
Do đó, mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là kêu gọi chính phủ và công chúng Campuchia chia sẻ tầm nhìn của Trung Quốc về việc xây dựng một tương lai chung cho tất cả mọi người.
“Sức mạnh mềm” của Bắc Kinh cho đến nay dường như đã “hạ cánh cứng” ở Campuchia.
Báo chí Campuchia và các bài đăng trên mạng xã hội vẽ lên một hình ảnh tiêu cực về người Trung Quốc ở Campuchia, đặc biệt là ở thành phố cảng Sihanoukville - nơi sự hiện diện của Trung Quốc phổ biến nhất.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, chính sách “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc đối với Campuchia dường như đã làm thay đổi nhận thức của công chúng Campuchia.
Sử dụng dữ liệu từ khảo sát thực địa ở Campuchia và khảo sát ý kiến chuyên gia, bài viết này phân tích nhận thức của công chúng Campuchia đối với người Trung Quốc trước và sau đại dịch COVID-19, đồng thời đưa ra quan điểm về xu hướng tương lai của quyền lực mềm Trung Quốc ở Campuchia.
Sihanoukville: Vùng đất cứng cho sức mạnh mềm của Trung Quốc
Không nơi nào ở Campuchia có sự hiện diện của người Trung Quốc rõ ràng hơn ở Sihanoukville, cảng biển nước sâu duy nhất của Campuchia. Đến năm 2019, thông qua đầu tư quy mô lớn vào các đặc khu kinh tế, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư, sòng bạc, cùng với các cửa hàng bán lẻ nhỏ do người Trung Quốc làm chủ, nhà hàng và các lĩnh vực dịch vụ khác, người Trung Quốc đã tiếp quản thành phố này theo đúng nghĩa đen.
Mặc dù đầu tư, thương mại và viện trợ của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Sihanoukville và các nơi khác ở Campuchia, nhưng nhận thức của người Campuchia về người Trung Quốc lại rất tiêu cực.
Xung đột đất đai là vấn đề gây tranh cãi kể từ khi Campuchia chuyển sang nền kinh tế thị trường vào cuối những năm 1980. Các hoạt động kinh tế gia tăng của Trung Quốc tại Sihanoukville làm tăng nhu cầu về đất đai, dẫn đến các vụ chiếm đất của những người Campuchia giàu có và có quan hệ chính trị.
Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc có thể không tham gia, nhưng người Campuchia đã liên kết các vụ chiếm đất với làn sóng người Trung Quốc đến Sihanoukville.
[Campuchia: Cân bằng chính sách với Ấn Độ để độc lập với Mỹ, Trung Quốc]
Nhu cầu về đất của các nhà đầu tư Trung Quốc đã bơm nguồn tiền mặt dồi dào vào lĩnh vực bất động sản, mang lại lợi ích cho người Campuchia có mối liên hệ với nguồn nước ngoài và đang sở hữu đất đai. Tuy nhiên, nhiều cư dân ở Sihanoukville tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế.
Nhu cầu ngày càng tăng của người Trung Quốc về thuê nhà, thực phẩm và dịch vụ đã đẩy giá cả gia tăng, như những gì cư dân Sihanoukville thường nói là “cao ngất trời”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo ở Sihanoukville.
Từ 2016 đến 2019, giá đất, giá nhà ở và giá thuê nhà ở Sihanoukville đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc từ 10 đến 20 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ đó đã giảm mạnh sau khi cờ bạc trực tuyến đóng cửa và đại dịch COVID-19 nổ ra.
Bất chấp sự bùng nổ của các ngành công nghiệp xây dựng và cờ bạc ở Sihanoukville, việc làm tạo ra cho người Campuchia địa phương vẫn còn hạn chế. Tương tự như hoạt động của họ ở những khu vực đang phát triển khác trên thế giới, các công ty Trung Quốc ở Campuchia thực hiện mô hình kinh doanh khép kín, dựa vào lao động và nguồn hàng đầu vào từ Trung Quốc.
Dự án bất động sản “Vịnh Xanh” ở Sihanoukville là một ví dụ điển hình. Ngoài việc mua đất từ người Campuchia, dự án còn thuê các thầu phụ là các công ty Trung Quốc nhập khẩu vật liệu xây dựng, thiết bị và nhân công từ Trung Quốc, mặc dù Campuchia có nguồn lao động dồi dào.
Nền kinh tế du lịch của Sihanoukville đã phục vụ cho người Campuchia và người phương Tây, nhưng với sự hiện diện lớn của người Trung Quốc và tỷ lệ tội phạm gia tăng, số lượng du khách đã giảm xuống, khiến người dân địa phương mất việc làm.
Nghiêm trọng hơn, bất chấp số lượng tăng vọt nhưng người Trung Quốc chủ yếu sử dụng các dịch vụ do người Trung Quốc sở hữu và điều hành. Điều này làm hạn chế tác động kinh tế lan tỏa cho người dân địa phương.
Hơn nữa, với sự nhạy bén trong kinh doanh của mình, nhiều người Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội mở các cửa hàng bán lẻ nhỏ phục vụ công nhân Trung Quốc, do đó đã hủy hoại các doanh nghiệp do người Campuchia làm chủ.
Một chủ nhà hàng Campuchia ở Sihanoukville phàn nàn: “Ban đầu, việc kinh doanh nhà hàng của chúng tôi được hưởng lợi từ số lượng người Trung Quốc gia tăng.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đến, một số người Trung Quốc bắt đầu mở nhà hàng. Người Trung Quốc về cơ bản thích ăn ở các nhà hàng Trung Quốc, và hiếm khi đến các nhà hàng địa phương của chúng tôi”.
Với sự phát triển của lĩnh vực bất động sản, du lịch và các sòng bạc, đặc biệt là cờ bạc trực tuyến, cùng với năng lực quản lý nhà nước yếu, Campuchia cung cấp một mảnh đất màu mỡ cho các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia.
Hơn nữa, Sihanoukville là điểm đến cho giới trẻ Trung Quốc muốn giàu nhanh. Các đối tượng này vay tiền của người nhà, bạn bè tới đầu tư tại Campuchia.
Không may thay, rất nhiều trong số họ rơi vào bẫy của các nhóm tội phạm và mất trắng tiền đầu tư. Bị mắc kẹt tại Campuchia, rất nhiều trong số họ đã bị lôi kéo vào các mạng lưới và các hoạt động tội phạm tại Sihanoukville.
Nói chung, một ngành công nghiệp cờ bạc phát triển mạnh thường đi kèm với sự gia tăng của các hộp đêm, quán bar và các địa điểm giải trí khác; và cũng đi kèm bằng các hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy, buôn lậu người, buôn bán súng và rửa tiền.
Tin tức và các bài đăng trên mạng xã hội thường đưa tin về các vụ ẩu đả, bắt cóc và giết người giữa các băng đảng đường phố vào ban ngày ở các thành phố cờ bạc như Sihanoukville và Poipet.
Trên thực tế, một số lượng lớn người Campuchia coi Sihanoukville là thành phố đang bị bao vây và do đó là khu vực cấm đi lại của người Campuchia.
Một việc dễ thấy khác là việc thực thi các quy tắc xây dựng ở Sihanoukville. Ví dụ, tháng 6/2019, một công trình do Trung Quốc tài trợ ở Sihanoukville đã sụp đổ, làm 25 công nhân Campuchia thiệt mạng.
Các cuộc thanh tra sau đó cho thấy quy mô đáng báo động về tình trạng xây dựng không đạt tiêu chuẩn và rất nguy hiểm, khiến Chính quyền Campuchia phải ra lệnh phá dỡ ít nhất 14 tòa nhà.
Ngoài ra, người Campuchia ác cảm đối với người Trung Quốc ở Campuchia còn do các vấn đề về hành vi. Nhiều người Trung Quốc làm việc tại Campuchia là thanh niên có trình độ học vấn hạn chế và không có kinh nghiệm du lịch nước ngoài.
Hành vi to tiếng và thiếu tôn trọng các phong tục và nghi thức địa phương của họ khiến người Campuchia rất khó chịu.
Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc
Trường hợp lây nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo ở Campuchia trong tháng 1/2020 đã gây ra nỗi sợ hãi ngay lập tức cho người dân Campuchia. Điều này có thể hiểu được vì hai lý do.
Thứ nhất là sự hiện diện của một số lượng lớn người Trung Quốc ở Campuchia và thực tế Trung Quốc là nơi đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu tiên. Yếu tố thứ hai là hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của Campuchia, với số giường bệnh hạn chế (0,71 giường bệnh/1.000 dân) và thiếu năng lực chăm sóc đặc biệt, và thực tế là các bệnh viện được trang bị tốt hơn thường bị quá tải ngay cả khi không có đại dịch.
Theo ghi nhận của một chuyên gia Campuchia, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Campuchia chưa sẵn sàng đối phó với một đợt bùng phát đại dịch quy mô lớn. Giả sử trong trường hợp có hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh, cơ sở vật chất và nhân viên y tế sẽ quá tải.
Tuy nhiên, sự tàn phá do đại dịch COVID-19 gây ra đã tạo ra cơ hội ngoại giao cho Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc, thông qua “ngoại giao khẩu trang” đã mang lại sự bình tĩnh cho Campuchia. Campuchia là quốc gia đầu tiên nhận hàng tấn vật tư y tế của Trung Quốc, chẳng hạn như máy thở, khẩu trang y tế và bộ xét nghiệm.
Trung Quốc cũng cử các chuyên gia y tế sang đào tạo cho nhân viên y tế Campuchia về chẩn đoán, điều trị và khả năng sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp.
Chính phủ Campuchia và Trung Quốc tuyên bố rằng hỗ trợ y tế của Trung Quốc không chỉ giúp nâng cao khả năng của Campuchia trong việc chống lại đại dịch COVID-19 mà còn là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì và củng cố tình hữu nghị bền chặt của hai nước và xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh.”
Người ta có thể nghi ngờ các tài liệu chính thức về tác động tích cực của ngoại giao khẩu trang, nhưng nghiên cứu của viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak cho thấy tác động rõ ràng đối với công chúng Campuchia.
Ví dụ, bác sỹ Chem Rethy, một thành viên của Lực lượng chuyên trách về COVID-19 của Campuchia, cho biết: “Chúng tôi được hưởng lợi từ viện trợ vật tư và chuyên môn từ Trung Quốc trong kiểm soát COVID-19 khi nhìn từ góc độ quản lý y tế công và bệnh viện... Các nhà cung cấp dịch vụ y tế của Campuchia đã học hỏi được từ các chuyên gia Trung Quốc đến từ Vũ Hán..
Dù ban đầu trong tình trạng khan hiếm, khẩu trang sau đó đã sẵn có tại Campuchia sau các chuyến hàng từ Trung Quốc. Ấn tượng của người Campuchia về vai trò của Trung Quốc trong việc giúp Chính phủ Campuchia đối phó với đại dịch mà các tác giả thu thập được từ các bài viết đăng tải và chia sẻ trên Facebook cũng rất tích cực.
Những thông điệp an ủi được chia sẻ bởi một số người dùng Facebook Campuchia nói những điều như: “Sẽ ổn thôi nhờ sự giúp đỡ của các bạn bè Trung Quốc.”
Nỗ lực cải thiện hình ảnh
Trung Quốc đã có ý định sử dụng Campuchia làm căn cứ tiền tiêu để phô diễn sức mạnh mềm của mình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các vấn đề về xã hội ở Sihanoukville cùng với tác động kinh tế tiêu cực đã gây ra sự bất bình của người dân Campuchia đối với người Trung Quốc, do đó làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc trong việc triển khai sức mạnh mềm của mình.
Năm 2020 chứng kiến các sáng kiến của Chính phủ Campuchia và Trung Quốc nhằm cải tạo Sihanoukville. Hai nước tăng cường hợp tác để mang lại trật tự cho thành phố. Chính phủ Campuchia đã bổ nhiệm ông Khouch Chamroeun, nổi tiếng là người “có thể làm được,” làm Thống đốc mới. Theo đề nghị của Chính phủ Trung Quốc, Chính phủ Campuchia đã đóng cửa các hoạt động cờ bạc trực tuyến ở Sihanoukville.
Ngành công nghiệp cờ bạc không chỉ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho Campuchia mà còn cho cả Trung Quốc. Rõ ràng, cờ bạc trực tuyến ở nước ngoài gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của chính Trung Quốc.
Người ta đã phát hiện ra rằng một số trang web cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp có trụ sở ở nước ngoài tham gia vào hoạt động lừa đảo trên Internet.
Hơn nữa, người Trung Quốc chiếm phần lớn lượng khách hàng trong các hoạt động cờ bạc trực tuyến ở Sihanoukville và các nơi khác ở Campuchia, biến cờ bạc trực tuyến thành một “cỗ máy bơm” dòng tiền của Trung Quốc ra nước ngoài, ước tính tiêu tốn của Bắc Kinh hơn 600 tỷ NDT mỗi năm.
Việc đóng cửa cờ bạc trực tuyến đã dẫn đến việc di cư của khoảng 120.000 công dân Trung Quốc khỏi Sihanoukville và giảm giá trị tài sản. Động thái này, kết hợp với tác động của COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch, đã mang lại cảm giác yên bình cho Sihanoukville.
Điều kiện được cải thiện ở Sihanoukville và nhận thức tích cực của người Campuchia đối với Trung Quốc do “ngoại giao khẩu trang” có thể cải thiện sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Campuchia.
Tuy nhiên, thách thức trước mắt đối với hình ảnh của Trung Quốc ở Campuchia phụ thuộc vào khả năng của chính phủ Trung Quốc và Campuchia trong việc hoàn thành kế hoạch biến Sihanoukville thành Thâm Quyến của Campuchia.
Trong khi COVID-19 đã giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc, đại dịch cũng hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển của Sihanoukville.
Sự chậm trễ trong việc chuyển đổi Sihanoukville thành một thực thể kinh tế đa dạng hơn có thể làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc, với việc công chúng Campuchia nghĩ rằng Trung Quốc chỉ “nói” mà không “làm” khi tuyên bố xây dựng tương lai chung cho cả hai nước./.