Campuchia ngày 28/2 thông báo các nhân viên thu gom và xử lý rác thải tại thủ đô Phnom Penh được tiêm miễn phí vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nêu rõ họ nằm trong các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng.
Trong thông báo, Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng cho biết: "Bộ Y tế mời tất cả các nhân viên thu gom rác thải, tuổi từ 18-59, ở thủ đô Phnom Penh đến tiêm phòng trên cơ sở tự nguyện ngay từ bây giờ tại các điểm tiêm phòng được chỉ định."
Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 từ ngày 10/2 vừa qua sau khi nhận lô vắcxin đầu tiên của công ty Sinopharm (Trung Quốc).
Trong số các nhóm ưu tiên tiêm chủng có nhân viên y tế, thành viên và quan chức chính phủ, nhân viên và thành viên Thượng viện và Quốc hội, người đứng đầu chính quyền thành phố và các tỉnh, các lực lượng vũ trang, cảnh sát, nhà báo và nhân viên xử lý rác thải...
Theo số liệu chính thức, đến ngày 26/2, hơn 63.000 người đã được tiêm phòng COVID-19 tại Campuchia. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 805 ca nhiễm, không có ca tử vong, trong khi 477 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
[Cập nhật tình hình sức khỏe của 13 người Việt mắc COVID-19 ở Campuchia]
Cùng ngày, Australia đã tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên của AstraZeneca/Oxford gồm 300.000 liều để chuẩn bị cho việc tăng cường chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết lô vắcxin trên sẽ được Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế (TGA) kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sử dụng từ ngày 8/3 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong một tuyên bố, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh việc tiếp nhận lô vắcxin trên đánh dấu một mốc quan trọng trong việc tăng cường chiến dịch tiêm chủng ở nước này.
Theo kế hoạch, Australia sẽ nhập khẩu 1,2 triệu liều vắcxin của AstraZeneca trước khi đưa vào sử dụng gần 50 triệu liều vắcxin do chính nước này sản xuất từ cuối tháng Ba. Hầu hết người dân ở Xứ sở Chuột túi sẽ được tiêm loại vắcxin của AstraZeneca.
Quốc gia lớn nhất Đại Tây Dương với 25 triệu dân này đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 từ ngày 22/2 với vắcxin của háng Pfizer/BioNTech cho một số đối tượng ưu tiên, như nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên làm việc tại các cơ sở cách ly, người già và người khuyết tật.
Cho đến nay, gần 30.000 người Australia đã được tiêm chủng, trong đó có 8.110 người già và người khuyết tật tại 117 cơ sở chăm sóc. Australia dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 10 tới./.