Việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất cánh, hạ cánh tại đường băng trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng đang gây ra mối quan ngại sâu sắc và sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Sau một loạt hoạt động bồi đắp, tôn tạo và xây dựng trái phép các cơ sở và căn cứ quân sự trên Biển Đông, cũng như triển khai hàng loạt vũ khí trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa, động thái mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa là bằng chứng cho thấy nước này đang tiếp tục đẩy nhanh hoạt động quân sự hóa Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản, Australia, Mỹ, Philippines và nhiều nước đã phản đối hành động trên của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và "tạo thành sự việc đã rồi," trong khi người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan lo ngại hành động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20) đang diễn ra tại Buenos Aires (Argentina) cũng cho biết Australia quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể ở Biển Đông.
[Học giả Mỹ: Hành động của Trung Quốc làm phức tạp tình hình Biển Đông]
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Philipppines, ông Harry Roque đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động của diễn biến trên đến các nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên các động thái quân sự đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông vấp phải sự chỉ trích của dư luận quốc tế. Đầu tháng 5/2018, trước hành động của Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả “trước mắt và lâu dài,” đồng thời nêu rõ Trung Quốc “không thể và không nên có thái độ thù địch” tại khu vực Biển Đông.
Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, vừa chính thức nhậm chức ngày 18/5, nhận định những hành động của Trung Quốc là nhằm khẳng định ý đồ kiểm soát Biển Đông.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Gregory Poling, tại Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhấn mạnh Trung Quốc đang “vượt qua một giới hạn” bởi việc triển khai các hệ thống vũ khí như vậy là “mối đe dọa rõ ràng và cho thấy một bước đi nữa của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông.”
Việc Trung Quốc liên tục triển khai các loại vũ khí tại các cấu trúc mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông, đồng thời tiến hành các bước đi quân sự quy mô tại vùng biển chiến lược có vị trí đặc biệt quan trọng này, rõ ràng đi ngược lại những cam kết mà Trung Quốc từng đưa ra trước đó rằng “Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông.”
[Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cho máy bay ném bom ra Hoàng Sa]
Điều này cũng trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002, trong đó quy định không thay đổi hiện trạng và không làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Đáng nói hơn, động thái của Trung Quốc diễn ra khi Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được nhận thức chung quan trọng trong việc cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), hướng tới một cấu trúc khu vực minh bạch, dựa trên luật lệ và một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.
Động thái của Trung Quốc đang làm xói mòn và cản trở những nỗ lực đàm phán xây dựng COC nhằm tạo tiền đề để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực này.
Hành động của Trung Quốc triển khai máy bay ném bom và tên lửa ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế bởi nó vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, cả về pháp lý và lịch sử, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những hành động của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tới mối quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, đi ngược lại Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhằm giải quyết những vướng mắc trong vấn đề Biển Đông, theo đó hai nước nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Việc Trung Quốc đưa vũ khí tới các cơ sở xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm suy giảm lòng tin giữa các bên trong vấn đề Biển Đông.
Với vị thế một cường quốc có vai trò quan trọng trên trường quốc tế và cũng là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc có trách nhiệm điều chỉnh hành vi ứng xử tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt mọi hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, thể hiện thái độ xây dựng và đóng góp tích cực để duy trì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực./.