Cả nước có gần 400 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành phố, với khoảng 7 triệu lao động, nhưng đến nay vẫn thiếu mô hình y tế lao động để chăm sóc sức khỏe cho công nhân, người lao động.
Phó giáo sư Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại hội thảo thực trạng y tế lao động khu công nghiệp và đề xuất mô hình y tế lao đọng khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ công nhân, người lao động diễn ra sáng 8/12, tại Hà Nội.
Phải có hành lang pháp lý
Hiện nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, tuy nhiên việc chăm sóc sức khỏe người lao động ở các khu công nghiệp mới thực hiện theo hình thức nhỏ lẻ, trong đó phổ biến là doanh nghiệp thuê đơn vị cung ứng đến cơ sở khám sức khỏe cho công nhân.
[Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á]
Tại hội thảo, các chuyên gia cho hay, từ thực tế cuộc sống và đặc biệt qua đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy khi dịch bệnh xảy ra ở trong khu công nghiệp thì nguy cơ lan rộng ra cộng đồng rất nhanh. Do vậy, chưa bao giờ việc phải có mô hình y tế lao động tại các khu vực này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Phó giáo sư Doãn Ngọc Hải phân tích theo quy định hiện hành các đơn vị sử dụng lao động phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 1 năm/lần, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
"Việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là khám và quản lý chứ không hẳn là khám và điều trị bệnh. Đặc biệt, việc khám các bệnh nghề nghiệp còn đòi hỏi có chuyên gia và phương tiện đặc thù. Với yêu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người lao động hiện nay rất cần có mô hình y tế lao động trong khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động," Phó giáo sư Hải cho hay.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất cần có mô hình y tế lao động tại các khu công nghiệp để chăm sóc sức khỏe cho công nhân, người lao động và góp phần chủ động đáp ứng nếu xảy ra thảm họa và sự cố y khoa, như đã từng xảy ra thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Hiện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đang lấy ý kiến các chuyên gia để đề xuất Bộ Y tế có hành lang pháp lý hướng dẫn hoạt động của mô hình y tế lao động tại các khu công nghiệp.
Mô hình có nhiệm vụ, chức năng khám chữa bệnh cho người lao động của khu công nghiệp, đo đạc và giám sát quan trắc môi trường lao động và đánh giá tác động của nhà máy trong khu công nghiệp; đào tạo huấn luyện các nội dung về an toàn vệ sinh lao động theo quy định; phát hiện, cách ly tạm thời những ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp trong tình trạng nặng.
Đáp ứng giải quyết các thảm họa
Tiến sỹ Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết việc phát triển cơ sở khám chữa bệnh tại các khu công nghiệp sẽ vừa đáp ứng điều kiện làm việc của công nhân, khi họ thường xuyên phải đi sớm về muộn, vừa đáp ứng giải quyết các thảm họa và sự cố y khoa có thể xảy ra.
Nếu xảy ra ngộ độc tập thể hoặc dịch bệnh gây thảm họa tại các khu công nghiệp sẽ rất khó đối phó do điều kiện y tế tại hạn chế. Hiện các khu công nghiệp là địa bàn tập trung đông công nhân lao động nhưng điều kiện sinh hoạt, ăn ở phần lớn còn khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Trước đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung ở 3 tỉnh/thành công nghiệp là Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương.
Kết quả cho thấy tất cả Ban quản lý Khu công nghiệp và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành phố đã biết tới mô hình trung tâm y tế đặt tại các khu công nghiệp. 70% cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn sàng hoặc rất sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu có đơn vị chăm sóc y tế trong khu công nghiệp. 30% số cơ sở còn lại cho rằng, cần tham khảo trước khi đưa ra quyết định lựa chọn dịch vụ y tế tại khu công nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh theo quy định, khu công nghiệp phải dành 10% quỹ đất dịch vụ để xây dựng công trình dịch vụ thiết yếu trong đó có dịch vụ y tế cho người lao động. Công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm trong khám chữa bệnh. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho họ thuận lợi hơn trong khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế.
Phó giáo sư Doãn Ngọc Hải dẫn chứng, trong khu công nghiệp của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên, đã thành lập được Trung tâm Y tế bên trong khu công nghiệp. Họ đã đấu thầu được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ y tế, tổ chức khám thường xuyên cho các công nhân theo nhiều đợt khác nhau, nhưng muốn được lâu dài thì phải được cấp phép và cơ sở y tế đó muốn được cấp phép thì phải đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực, đầu tư rất tốn kém. Vấn đề đặt ra có giao cho các Trung tâm Y tế dự phòng quản lý trung tâm y tế không, bởi nếu không quy định chặt chẽ thì đơn vị tư nhân cũng không làm được./.