Trang mạng aljazeera.com đưa tin thái độ phản đối tiêm vaccine đã xuất hiện từ lâu, ngay từ khi vaccine xuất hiện.
Mặc dù cứ mỗi phút, vaccine lại cứu sống 5 mạng người, và bất chấp việc có đến 85% số trẻ em trên khắp thế giới hiện đang được tiêm phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, một số người vẫn phản đối việc tiêm những liều vaccine đang giúp con người bảo vệ tính mạng.
Có hàng loạt yếu tố góp phần gây ra thái độ phản đối vaccine, từ những nỗi lo ngại về sự không cần thiết hoặc các tác dụng phụ, cho đến những "thuyết âm mưu" liên quan đến các chính phủ hoặc các ngành công nghiệp dược phẩm.
Mặc dù các nhà vận động chống tiêm chủng rốt cuộc chưa bao giờ thắng thế, nhưng một khi họ tìm được dù chỉ một chỗ đứng tạm thời trong một xã hội, thì tỷ lệ tiêm vaccine cũng có thể sẽ suy giảm, và những căn bệnh vốn có thể ngăn ngừa sẽ ngày càng gia tăng.
[Bên cạnh cuộc chiến chống COVID-19 còn có một cuộc chiến chống tin giả]
Đại dịch COVID-19 đang cho chúng ta thấy mọi điều về vaccine và thái độ phản đối vaccine.
Việc phát triển các vaccine ngừa COVID-19 an toàn đã mang lại cho chúng ta những công cụ để chiến đấu với đại dịch, và với 6,5 tỷ liều đã được phân bổ cùng tỷ lệ hơn 22 triệu liều được phân phối mỗi ngày, đã xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm.
Ở mặt khác của sự việc, đại dịch không chỉ gây ra cái chết của hàng triệu người mà còn tạo ra một di sản độc hại của tin giả và những "thuyết âm mưu" đã củng cố thái độ phản đối việc tiêm vaccine.
Điều này rõ ràng xuất phát từ những điều mà chúng ta đều biết về cách hành xử của con người: khi người ta mất kiểm soát về tính mạng của mình hoặc cảm thấy bị đe dọa tính mạng, họ luôn trở nên dễ tin vào các "thuyết âm mưu."
Và nếu có một điều mà đại dịch này có thể làm được tốt thì đó chính là việc gây ra nỗi sợ hãi và sự mất kiểm soát.
Mặc dù thái độ phản đối này không cản trở được nhiều quốc gia tiếp cận việc tiêm vaccine, chẳng hạn như tại Tây Ban Nha, gần 80% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, và tỷ lệ này tại Italy cùng Pháp cũng rất cao, nhưng vẫn không thể phớt lờ thái độ đó bởi các nhà vận động chống tiêm chủng đang ngày càng có xu hướng sử dụng biện pháp hăm dọa, thậm chí đe dọa vũ lực các nhân viên y tế.
Tại Anh, cảnh sát hiện đang phải bảo vệ một số điểm tiêm chủng di động, còn tại Đức, một người đàn ông đã tấn công các nhân viên y tế vì họ không cấp cho ông ta giấy chứng nhận tiêm chủng khi ông không đồng ý tiêm.
Tại Mỹ, thái độ đối với việc tiêm chủng đã trở nên chính trị hóa, theo đó một số lãnh đạo Đảng Cộng hòa bày tỏ sự phản đối đối với vaccine, đến mức hiện có một sự chênh lệch lớn về tỉ lệ tiêm chủng giữa các bang, phụ thuộc vào số lượng cử tri từng đảng.
Các bang ủng hộ Đảng Dân chủ có tỉ lệ tiêm vaccine rất cao, trong đó Massachusetts và Vermont đứng đầu với 78%, trong khi các bang theo Đảng Cộng hòa thì có tỉ lệ tiêm rất thấp, chẳng hạn như Tây Virginia chỉ khoảng 48%.
Điều đáng lo ngại nhất có lẽ là hiện đang có ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy các nhà vận động chống vaccine tại Mỹ đã liên kết với lực lượng cực hữu và những người theo các "thuyết âm mưu" khác.
Đứng trước mối nguy hiện hữu mà các phong trào chống tiêm chủng đặt ra cho sức khỏe cộng đồng, liệu những người làm truyền thông và chính trị cần làm gì để đáp trả?
Trước hết, vai trò lãnh đạo là rất quan trọng. Khi ra quyết định về một vấn đề phức tạp như tiêm chủng, những người không có chuyên môn thường dựa vào lời khuyên từ các nhà tư vấn đáng tin cậy (KOL), có thể là chuyên gia, các nhân vật truyền thông hoặc chính trị gia.
Tuy nhiên, khi các vấn đề bị bị phân cực hóa theo mục đích chính trị, thì câu hỏi ai đáng tin lại mang tính đảng phái hơn là tính chuyên môn.
Trên thực tế, các bằng chứng cho thấy thái độ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong Đảng Cộng hòa phụ thuộc vào người đưa ra lời khuyên tiêm chủng - là Donald Trump hay Joe Biden.
Vì vậy, điều quan trọng là các KOL phải hiểu được mức độ ảnh hưởng của họ đến sự quyết định của các cá nhân và đặt sức khỏe của công chúng trước sự chia rẽ về đảng phái. Như vậy, việc một số đảng viên Cộng hòa lên tiếng ủng hộ việc tiêm chủng là rất quan trọng.
Tuy nhiên, ngay cả khi các lãnh đạo đưa ra những thông điệp rõ ràng thì một số cá nhân vẫn tiếp tục công khai đặt nghi vấn về tính hiệu quả và sự an toàn của việc tiêm chủng, và chắc chắn là hầu hết họ đều lan truyền thông tin hoàn toàn sai lệch hoặc định hướng sai. Những thông điệp của những người này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhất khi chúng không được đính chính lại.
May mắn thay, các nghiên cứu cho thấy tác động từ các thông điệp của những nhân vật này có thể được giảm thiểu bằng cách cung cấp những thông tin chỉnh sửa dựa trên thực tế hoặc bằng cách vạch trần những lỗi sai về logic.
Cuốn Cẩm nang Vạch trần Tin giả mới đây đã cung cấp những lời khuyên về kỹ năng cho nhà chức trách về cách thức để đưa ra những thông điệp vạch trần tin giả và viết những lời đính chính.
Tầm quan trọng của viêc vạch trần tin giả đã được công nhận bởi nhiều quan chức y tế trên khắp thế giới.
Chẳng hạn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vạch trần những câu chuyện hoang đường đang nổi lên xung quanh dịch COVID-19 trên các trang web và mạng xã hội trong khuôn khổ sáng kiến của tổ chức này mang tên Dập tắt các Câu chuyện hoang đường.
Những cách tiếp cận như kiểu vạch trần này chỉ có thể là một công cụ trong cuộc chiến chống tin giả.
Trong công cuộc chống virus, giới hoạch định chính sách không nên chỉ dựa vào các phương pháp chữa bệnh mà nên đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa: liều vaccine tâm lý chống tin giả đang tồn tại có thể cảnh báo con người về mối đe dọa tin giả và trang bị cho họ những luận cứ mạnh mẽ.
Trong vô vàn cuộc thí nghiệm, loại vaccine tâm lý này đã chứng tỏ được sức mạnh trong việc chống lại tin giả.
Chúng được phát triển dưới hình thức các lời cảnh báo đơn giản bằng văn bản hoặc các đoạn phim ngắn, hoặc các trò chơi trực tuyến cuốn hút.
Chẳng hạn, trong trò Go Viral! miễn phí, người chơi phải đối đầu với các câu chuyện bịa đặt xung quanh COVID-19 theo một cách rất giải trí nhưng lại giúp họ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những mối nguy thực tế. Vaccine tâm lý cũng quan trọng như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Không may thay, những cách tiếp cận này không được thực thi trên quy mô rộng ngay từ đầu đại dịch. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại, đôi khi cần phải dỡ bỏ tin giả từ các kênh thông tin của người dùng, hay còn gọi là “tẩy chay.”
Chẳng hạn, YouTube hiện đang gỡ bỏ các thông tin mang "thuyết âm mưu." Chẳng hạn, một đoạn phim như vậy trước khi bị liệt vào dạng không phù hợp và bị Youtube gỡ bỏ sau 2 tuần đã nhận được hàng triệu lượt xem ngay sau khi đăng tải.
Cuối cùng, cung cấp thông tin chất lượng cao cũng là cách để chống tin giả. Việc đưa ra thông tin chính xác về các tác dụng phụ tiềm tàng của việc tiêm chủng là cần thiết.
Tuy nhiên, những người làm truyền thông, bao gồm các nhà báo, nên cân nhắc các bằng chứng và tập trung vào các mối đe dọa lớn hơn đối với sức khỏe công chúng, mà ở đây chính là mối nguy hiểm của căn bệnh này.
Trên thực tế, thông tin về những nguy cơ của COVID-19 đối với sức khỏe con người có thể tác động đến ngay cả những cá nhân đang còn chần chừ nhất trong việc tiêm chủng. Thêm nữa, việc tuyên truyền về các mối nguy này cũng nên nêu bật các lợi ích xã hội.
Việc thông tin cho người dân thấy tác động của đại dịch với những người thuộc các nhóm nguy cơ cao sẽ nhận được sự đồng cảm của người dân và làm gia tăng thái độ sẵn sàng tham gia của họ vào các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Các câu chuyện về những thảm kịch vì đại dịch này có thể khiến người dân cảm nhận được thực tế từ những con số trừu tượng.
Một lần nữa, không phải mọi câu chuyện đều đạt hiệu quả giống nhau đối với tất cả người nghe.
Đó là lý do vì sao những cách tiếp cận truyền thông có chọn lọc và tính toán đã và đang là trọng tâm của các biện pháp tuyên truyền y tế hiệu quả trong các giai đoạn khủng hoảng.
Bằng chứng về các biện pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống tin giả đang thay đổi do những phát hiện trong các nghiên cứu thời đại dịch ngày càng tăng.
Để đối phó với bối cảnh đầy biến động này, chúng ta cần cung cấp một cuốn cẩm nang miễn phí chuyên về truyền thông liên quan đến vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19, được dịch ra 11 thứ tiếng và cập nhật thường xuyên theo những nghiên cứu khoa học mới nhất./.