Cân nhắc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến cấp huyện, xã

Hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Việc ban hành luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Một số đại biểu cũng nêu ý kiến cần bổ sung, làm rõ hơn dự thảo luật và quy định chi tiết hơn về khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt với hợp đồng dân sự và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật.

Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý, phòng ngừa rủi ro, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc đối với thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư.

Nêu tính khả thi trong thực tiễn của quy định mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện và Ủy ban Nhân dân cấp xã, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) và đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng vì cơ sở pháp lý và các nguồn lực hiện nay chưa bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đến cấp huyện, xã.

[Quốc hội thông qua hai luật phòng, chống thiên tai và đê điều]

Làm rõ hơn vấn đề này, đại biểu Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đưa ra con số trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh thỏa thuận quốc tế, cấp huyện, xã đã ký 16 thỏa thuận, chiếm khoảng 0,8% tổng số thỏa thuận quốc tế được ký kết trong giai đoạn này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã cần được cân nhắc thận trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội giải thích hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cho rằng không ít thỏa thuận quốc tế hiện nay chỉ mang tính chất ngoại giao, chưa thực chất, chưa gắn với cơ chế thực thi, thực hiện đầy đủ nội dung đã cam kết, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng công cụ thỏa thuận quốc tế để xây dựng khung pháp luật cho phù hợp với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, đồng thời thiết kế cơ chế thực thi phù hợp bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện quốc gia.

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa dự thảo Luật.

Ban soạn thảo nhận thấy các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế để thay cho Pháp lệnh thỏa thuận quốc tế. Các trao đổi, đóng góp, ý kiến tập trung vào một số nội dung lớn như: phạm vi điều chỉnh nội hàm, nội dung cốt lõi của Luật Thỏa thuận quốc tế; làm rõ chủ thể của thỏa thuận quốc tế khi dự thảo Luật đã mở rộng nhiều về chủ thể ký kết các thỏa thuận quốc tế so với Pháp lệnh trước đó; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan ký thỏa thuận quốc tế được quy định như thế nào trong dự thảo luật; xem xét, bổ sung thêm một số chủ thể, trong đó có các tổ chức chính trị nghề nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật...

"Đây là những nội dung lớn, Ban soạn thảo xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tính thống nhất của dự thảo luật so với các văn bản quy phạm pháp luật," Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục