Cần Thơ: Chủ tàu khách tham quan chợ nổi gặp khó về chi phí

Nhiều chủ tàu than khó khi tiền lắp thiết bị lên tới hàng chục triệu đồng trong khi tàu chỉ hoạt động trong quãng đường ngắn nên thiết bị này không thật sự cần thiết, tăng thêm gánh nặng cho dân.
Du khách rất thích thú với trải nghiệm ăn bún riêu khi đến với chợ nổi Cái Răng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Các tàu chở khách đi tham quan chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ sẽ phải gắn thêm hộp đen và bộ đàm mới được hoạt động.

Chi phí lắp đặt hệ thống này từ 17-22 triệu đồng tùy sức chở của phương tiện.

Tuy nhiên, nhiều chủ tàu than khó khi tiền lắp thiết bị lên tới hàng chục triệu đồng trong khi tàu chỉ hoạt động trong quãng đường ngắn nên thiết bị này không thật sự cần thiết, tăng thêm gánh nặng cho người dân.

Theo các chủ tàu, trước đây chưa có quy định này nhưng mới đây, khi họ đem tàu đi đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm yêu cầu phải lắp thêm thiết bị định vị, bộ đàm. Người dân cho rằng quy định này là không cần thiết vì tàu chỉ hoạt động trong vùng sông nhỏ với đoạn đường ngắn chưa đến 10km.

Ông Trần Văn Tuấn, chủ tàu chở khách du lịch ở bến Ninh Kiều vừa bỏ ra 44 triệu đồng để lắp thiết bị nhận dạng tàu thuyền AIS (còn gọi là hộp đen) và máy bộ đàm cho hai chiếc tàu của mình. Với 11 chiếc tàu đang hoạt động, ông Tuấn phải mất hơn 240 triệu đồng để lắp đặt thiết bị này. Không chỉ vậy, hàng năm ông phải đóng thêm 1,5 triệu đồng cho mỗi thiết bị để sử dụng dịch vụ.

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, các tàu hoạt động trong khung thời gian từ 5-9 giờ mỗi ngày, trung bình khoảng 1-2 chuyến, sau đó quay về bến đậu. Toàn bộ các tàu của ông trị giá từ 100 triệu đến 700-800 triệu đồng mỗi chiếc, được trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn, khách mặc áo phao thì tài công mới xuất bến.

[Cần Thơ ra mắt các sản phẩm mới, thúc đẩy du lịch phát triển] 

Ông Tuấn nhẩm tính, mỗi ngày, tàu một chạy 1 chuyến, với giá 500.000-700.000 đồng mỗi chuyến, tùy sức chứa mỗi tàu. Sau khi trừ chi phí xuất bến bãi, tiền thuê tài công, chủ tàu còn được khoảng 300.000 đồng. Chợ nổi đang heo hút vì lượng nghe thuyền thương hồ ngày càng vắng, du khách không tăng nhiều nên dân chạy tàu gặp khó khăn, do đó nếu bắt buộc phải lắp hai thiết bị này thì khó khăn hơn.

“Sau đại dịch, chúng tôi mới hoạt động trở lại hơn một năm nay, tàu ngưng hoạt động lâu ngày cũng có một số xuống cấp, hiện còn chưa có tiền tân trang lại mà thêm chi phí gắn các thiết bị này nữa thì khó quá,” ông Tuấn than thở.

Tương tự, ông Tiêu Thanh Tâm (54 tuổi) chủ 8 tàu gỗ chở khách du lịch đang hoạt động ở bến Ninh Kiều chia sẻ, ông không thể nào cùng lúc xoay sở được hơn 160 triệu đồng để lắp hộp đen và máy bộ đàm. Kinh nghiệm 30 năm chạy tàu chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng, ông Tâm thấy việc lắp 2 thiết bị là không cần thiết và tốn nhiều chi phí, gây khó cho bà con. Theo ông, các thiết bị này cần thiết và phù hợp với tàu chở khách ra các đảo hơn là trong sông rạch nhỏ hẹp ở miền Tây.

Từng sở hữu hơn 20 chiếc tàu loại lớn nhưng đã bán hơn phân nửa do trong hai năm dịch COVID-19, bà Trần Kim Gương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Du lịch Hoa Gương (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) cho biết các tàu chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng chạy tuyến cố định hàng ngày trên đoạn ngắn của sông Cần Thơ rộng khoảng 300m, không quá tải, không quá số người quy định; có chuyện cần liên hệ thì giơ tay ra dấu hoặc kêu to hay điện thoại là đã nghe thấy hết  nên việc cơ quan chức năng yêu cầu gắn máy bộ đàm, hộp đen là chưa hợp lý.

Cũng theo bà Gương, với lượng tàu đang hoạt động gần 200 chiếc, trong khi khách vẫn không tăng, thu nhập thấp thì việc bỏ ra 22 triệu đồng để lắp thêm hai thiết bị ở thời điểm này là khá lớn.

“Thật sự các thiếc bị này phù hợp với tàu, thuyền chở du khách trên biển, ra các đảo… Còn điều kiện thực tế ở chợ nổi Cái Răng, cũng như tuyến sông rạch ở miền Tây, các tàu chở du khách tham quan có chuyện cần trao đổi, khẩn thì lên Zalo hay Messenger nhóm gọi báo là được rồi, nên không cần thiết phải gắn,” bà Trần Kim Gương cho hay.

Trên thực tế, quy định này được Bộ Giao thông Vận tải ban hành từ năm 2018 tại Thông tư số 39/2018/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa. Theo đó, phương tiện chở khách 12 chỗ trở lên phải lắp thiết bị AIS còn tàu khách từ 20 chỗ trở lên còn phải gắn thêm hệ thống máy bộ đàm VHF.

Chợ nổi Cái Răng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trước đây, ngành chức năng thành phố Cần Thơ mới chỉ nhắc nhở chủ tàu tuân thủ quy định còn hiện tại việc đăng kiểm được siết chặt nên các tàu hoạt động bắt buộc phải gắn các thiết bị này nếu không sẽ không đăng kiểm phương tiện.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết Thông tư số 39/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định tàu khách từ 20 ghế trở lên phải gắn thiết bị nhận dạng tự động, thời hạn thực hiện đến ngày 31/12/2022.

Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải có nhận được phản ánh của các chủ tàu du lịch đang hoạt động trên địa bàn thành phố về khó khăn khi thực hiện quy định trên.

Theo ông Lê Tiến Dũng, trong Thông tư 39/2018/TT-BGTVT cũng có một số quy định như trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc và tùy theo hoàn cảnh cụ thể thì trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải là ghi nhận toàn bộ sự việc và trình lên Cục Đăng kiểm Việt Nam để trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra để ghi nhận toàn bộ ý kiến của các chủ phương tiện và có văn bản gửi cho Cục Đăng kiểm Việt Nam về các nội dung mà người dân phản ánh.

Chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ và cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện số lượng tàu chở du khách tham quan chợ nổi có khoảng 200 chiếc, nếu lắp đặt toàn bộ hệ thống nhận dạng thì số tiền người dân phải bỏ ra khá lớn. Trong khi đó, việc kinh doanh của bà con vẫn đang phục hồi sau giai đoạn dịch.

Bà con mong muốn ngành giao thông xem xét, có phương pháp giải quyết hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế hơn để giảm bớt gánh nặng cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục