Cần Thơ mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia dự án trọng điểm

Tiếp đoàn JETRO, lãnh đạo thành phố Cần Thơ mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực như: công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao...
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ và JETRO chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 17/11, tại Cần Thơ, lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). Tại buổi làm việc, phía JETRO bày tỏ mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao…

Ông IDA Koji - Phó trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nhật Bản do ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 8/11 vừa qua, JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến công tác đến Cần Thơ để nắm bắt chi tiết hơn các thông tin từ lãnh đạo thành phố, cũng như đi khảo sát thực địa một số đơn vị.

Từ đó, JETRO sẽ làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ đầu tư trong thời gian tới đây.

Đại diện phía Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố, thông tin đến đoàn Nhật Bản một số thế mạnh về địa lý, cơ sở hạ tầng của Cần Thơ.

Cần Thơ đóng vai trò là một trong năm đô thị trực thuộc Trung ương, thành phố trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ được coi là cửa ngõ của toàn vùng, được Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng thuận lợi cho kết nối giao thương trong và ngoài nước.

[Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam]

Bên cạnh những công trình trọng điểm hiện hữu, sắp tới thành phố sẽ có những công trình lớn như: đường cao tốc Bắc-Nam năm 2026 sẽ đi vào hoạt động, nối thông tuyến từ Cần Thơ đến Cà Mau; Cảng quốc tế Cái Cui đang được đầu tư nâng cấp để có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 tấn; tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ với tốc độ thiết kế khoảng 190 km/h, rút ngắn chỉ còn 75-80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3-4 giờ như hiện nay; sân goft phục vụ thể thao cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận xây dựng…

Trên cơ sở những thế mạnh đó, ông Dương Tấn Hiển mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố Cần Thơ với những ngành nghề, lĩnh vực như: công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, logistics, các dự án về môi trường và các lĩnh vực khác có tiềm năng thu hút đầu tư từ thị trường Nhật Bản…

Ông Dương Tấn Hiển (trái), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đồng thời, ông Dương Tấn Hiển cũng thông tin đến JETRO về các dự án trọng điểm thành phố đang quan tâm thu hút đầu tư để xây dựng và phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội "Về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ."

Thành phố tập trung mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào 2 dự án trọng điểm: nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.

Ông IDA Koji bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến những ưu đãi mà phía Cần Thơ dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông cam kết trên cương vị công tác của mình sẽ nỗ lực kết nối, thông tin để ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ tìm hiểu thông tin và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục