Canada đang ngồi trên bong bóng bất động sản lớn nhất mọi thời đại

Canada có một số đặc điểm rắc rối nhất, dẫn đến việc nước này có khả năng ngồi trên một trong những bong bóng nhà đất lớn nhất mọi thời đại như giá nhà đang vượt xa thu nhập; giá cả đã tăng đáng kể.
Một ngôi nhà ở Ottawa được giao bán. (Nguồn: Reuters)

Tờ Toronton Star ngày 29/8 dẫn lời một chuyên gia tài chính và nhà đất cho biết Canada đang ngồi trên bong bóng bất động sản lớn nhất mọi thời đại, và một khi nó vỡ ra thì quốc gia này có thể bị đẩy vào một cuộc suy thoái sâu sắc hơn những gì mà các nhà kinh tế từng dự đoán.

Chiến lược gia Toàn cầu của Công ty Nghiên cứu MRB Partners, Phillip Colmar, từng phân tích về bong bóng bất động sản trên toàn cầu và cho rằng Canada là quốc gia có khả năng gặp bong bóng nhà đất đáng lo ngại nhất.

Bong bóng bất động sản là hiện tượng giá nhà tăng mạnh do nhu cầu và vấn đề đầu cơ trong khi nguồn cung hạn chế. Đến một lúc nào đó, mức giá bất ổn cuối cùng sẽ sụp đổ, khiến bong bóng vỡ ra.

Ông Colmar nhận định Canada có một số đặc điểm rắc rối nhất, dẫn đến việc nước này có khả năng ngồi trên một trong những bong bóng nhà đất lớn nhất mọi thời đại. Đầu tiên là giá nhà, đang thực sự vượt xa thu nhập ở Canada.

Ông này nói thêm rằng giá cả đã tăng đáng kể kể từ những năm 1980, trong khi thu nhập lại không thể theo kịp. Và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Canada đã dần quen với lãi suất thấp.

Sau vụ sụp đổ nhà đất ở Mỹ và châu Âu năm 2008, Canada đã duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian dài. Đây là vấn đề vì nó khiến người Canada ngày càng gánh nhiều nợ hơn và kết quả là họ bị sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức.

Ngân hàng Canada đã tăng lãi suất gần 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022 để chống lại lạm phát tăng cao. Trước chiến dịch này, lãi suất cơ bản chỉ ở mức 0,25%, nhưng bây giờ nó đang ở mức 5%, tỷ lệ cao nhất trong 22 năm.

[Chuyên gia dự báo kinh tế Canada đang bước vào suy thoái]

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình một hộ gia đình Canada hiện nợ khoảng 1,87 USD cho mỗi USD thu nhập khả dụng mà họ có, trong khi ở Mỹ chỉ nợ 1,01 USD. Nợ cao ở Canada phần lớn xuất phát từ giá nhà ngày càng tăng, do dân số ở đây tăng mạnh hơn so với Mỹ cũng như họ ít bị tác động hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dẫn đến nợ thế chấp lớn hơn.

Ông Colmar cho rằng điều rất đáng lo ngại là Canada có khoản tín dụng và nợ thế chấp khổng lồ do lãi suất thấp và giá nhà tăng. Và khi lãi suất tăng lên đáng kể như hiện nay, việc trả những khoản nợ đó ở Canada trở nên tồi tệ hơn nhiều so với các quốc gia khác trong Nhóm G7.

Đại dịch cũng khiến người dân Canada phải gánh thêm nợ nần, khi lãi suất ở mức thấp lịch sử trong hai năm, khuyến khích hàng chục nghìn người nhảy vào thị trường nhà đất, mặc dù giá nhà đã tăng vọt. Do đó, những người mua nhà trong thời kỳ đại dịch đang phải gánh những khoản thế chấp lớn và chủ nhà sẽ bị điều chỉnh mức lãi suất cao hơn nhiều khi họ cần gia hạn theo chu kỳ 5 năm, trong đó sẽ có một số hộ gia đình không đủ khả năng chi trả cho các khoản thế chấp mới của mình.

Ông Colmar nhận định: "Mỗi năm chúng ta sẽ thấy ngày càng có nhiều người Canada gặp căng thẳng về tài chính và các ngân hàng đang phải vật lộn về điều đó. Chúng ta thậm chí có thể thấy thời hạn của các khoản thế chấp dài hơn bao giờ hết. Rõ ràng là sẽ có rủi ro trong hệ thống này."

"Bong bóng" nhà đất có thể sẽ vỡ ra khi Canada bước vào thời kỳ suy thoái và có tình trạng mất việc làm ở mức độ lớn. Các "vết nứt" đã bắt đầu lộ rõ khi chi tiêu của người dân chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đang dần tăng.

Tổng công ty Thế chấp và Nhà ở của Canada (CMHC) đã cảnh báo rằng người Canada sẽ không thể vượt qua suy thoái vì số nợ cao mà họ đang có. Nếu thị trường nhà đất sụt giảm, kinh tế Canada có thể rơi vào suy thoái sâu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục