Ngày 19/11, Chính phủ liên bang Canada đã trình lên Quốc hội dự luật cho phép nước này đạt mục tiêu đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Dự luật yêu cầu chính phủ liên bang phải đặt ra mục tiêu cụ thể từ năm 2030 trở đi; thành lập một ban cố vấn; trao quyền cho ủy viên môi trường để xem xét, đánh giá công việc của chính phủ và trao quyền tối cao cho Bộ trưởng Môi trường trong việc đặt ra các mục tiêu và đưa ra các kế hoạch để đạt được các mục tiêu này. Dự luật nhằm đảm bảo Canada đáp ứng các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết: "Khí thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Đó là (mục tiêu) tham vọng, song khả thi và điều đó là cần thiết và là điều chính xác mà chúng ta sẽ thực hiện."
Ông nhấn mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải được cắt giảm nếu Canada muốn đạt được mục tiêu trên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Jonathan Wilkinson khẳng định, dự luật này cho thấy quyết tâm của Canada để trở thành một đối thủ nặng ký trên thị trường năng lượng sạch ở quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự hoài nghi từ các đảng đối lập. Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Trudeau đang phải dựa vào các đảng đối lập để có thể thông qua dự luật tại Quốc hội. Hiện chưa một đảng đối lập nào cam kết ủng hộ dự luật này.
Khối Quebec (Bloc Québécois), đảng Dân chủ mới (NDP) và đảng Xanh đều ghi nhận tầm quan trọng của việc xây dựng luật liên quan đến các mục tiêu giảm khí thải, nhưng chỉ trích quyết định của Ottawa từ bỏ mục tiêu năm 2025. Các đảng đối lập cũng cho rằng cần sửa đổi dự luật để xây dựng trách nhiệm giải trình nhiều hơn.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2019, đảng Tự do đã cam kết đặt ra “các mốc năm năm có tính ràng buộc về pháp lý” để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì các mục tiêu năm 2025 đã bị loại bỏ nên các mục tiêu cắt giảm có thể chỉ áp dụng cho các chính phủ trong tương lai.
Canada đã bỏ lỡ mục tiêu năm 2012 theo Nghị định thư Kyoto và đang trên đà bỏ lỡ mục tiêu năm 2020 với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khoảng 100 megaton.
[Nhóm 1% người giàu nhất thải khí carbon gấp đôi 50% dân số thế giới]
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu bật tầm quan trọng của các chiến lược dài hạn hướng tới trung hòa khí thải carbon.
Phát biểu với các thành viên Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại bằng hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký Guterres đã nhấn mạnh mọi quốc gia, thành phố, tổ chức tài chính và doanh nghiệp cần thông qua các kế hoạch hướng tới đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0.
Ông kêu gọi sự sẵn sàng cho Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) dự kiến được tổ chức ở Scotland vào tháng 11/2021, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của cơ chế Đóng góp Do quốc gia tự quyết định (DNC) theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, cũng như "các chiến lược dài hạn hướng tới trung hòa khí carbon."
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng hoan nghênh Liên minh châu Âu (EU) như "nhân tố đi đầu" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu," khi liên minh đã cho thấy khả năng cắt giảm khí thải, trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, EU đã và đang xây dựng tình hữu nghị với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Các đề xuất của liên minh nhằm đẩy mạnh các biện pháp đối phó với tình trạng bất bình đẳng và bảo vệ những người dễ bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi.
Ông nêu rõ: "EU đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các nước đang phát triển được tiếp nhận sự hỗ trợ cần thiết để phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19, cũng như thúc đẩy (các kế hoạch) tham vọng về khí hậu..."
Tuy nhiên, dù đánh giá cao những hành động vì khí hậu mà EU thực hiện, Tổng Thư ký Guterres vẫn cảnh báo rằng "chúng ta vẫn chưa về đích... và vẫn đang tụt lại phía sau trong chạy đua với thời gian."
Ông cũng hối thúc các nước EU tiếp tục đi đầu với những cam kết ngắn hạn cụ thể và đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu, khẳng định sự ủng hộ đối với NDC của các nước thành viên EU với mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí phát thải vào năm 2030.
Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh khí hậu ngày 12/12 tới và COP26, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh "thế giới sẽ một lần nữa trông đợi vào EU với vai trò lãnh đạo về (chống biến đổi) khí hậu." Ông nêu rõ: "Tôi kêu gọi EU nắm bắt cơ hội và hưởng ứng lời kêu gọi này vì mọi người dân ở khắp mọi nơi, vì sự thịnh vượng và vì hành tinh mà chúng ta cùng chia sẻ và phụ thuộc vào."
Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen cho biết EU nên cam kết các mục tiêu cắt giảm mạnh hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ tới, đồng thời cam kết sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các mục tiêu khí hậu của mình.
Theo bà Leyen, EU cần đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức ghi nhận trong năm 1999, thay vì mức cắt giảm 40% như hiện nay. Sự điều chỉnh này phù hợp với "Thỏa thuận Xanh" đầy tham vọng được EC công bố hồi tháng 12/2019, qua đó vạch ra lộ trình nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (trung hòa khí thải) vào năm 2050.
Thỏa thuận này đòi hỏi 27 nước thành viên EU phải cân bằng lượng khí thải gây ô nhiễm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 30 năm tới. Đây được xem là một động lực cho cuộc cách mạng kinh tế giúp châu Âu phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.