Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra ở Rome, Canada thông báo sẽ sớm tài trợ 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna cho các nước đang phát triển để chống lại đại dịch, đồng thời nhấn mạnh sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine trước cuối năm 2022, mặc dù lượng vaccine do Canada đã tài trợ hiện còn thiếu nhiều so với cam kết trước đó của Ottawa.
Phát biểu với giới truyền thông tại Rome, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cho biết Canada không thể đáp ứng các cam kết cung cấp vaccine trước đó do nước này thiếu hạ tầng y tế chất lượng cao để sản xuất vaccine - nhân tố khiến nguồn cung cấp khó được đảm bảo.
Bà Chrystia Freeland cho biết thêm vaccine Moderna sẽ "nhanh chóng" được gửi đến cơ chế COVAX và Canada cũng sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu này. Với khoản hỗ trợ tài chính dành cho COVAX và các lô vaccine được chuyển giao trực tiếp, tổng số liều vaccince do Canada cung cấp sẽ lên đến 200 triệu liều.
Canada đã không đáp ứng các cam kết cung cấp vaccine trước đó. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) hồi tháng 6/2021 ở Cornwall (Anh), Canada thông báo tài trợ 40,7 triệu liều vaccine. Con số này sau đó đã được thu nhỏ lại đáng kể và cuối cùng, giảm xuống còn khoảng 3 triệu liều.
[Dịch COVID-19: Canada cảnh báo về các biến thể mới]
Các quốc gia giàu có như Canada đang chịu áp lực rất lớn trong việc giúp chấm dứt đại dịch bằng cách tăng cường cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Trung bình, các nước G20 đã tiêm phòng cho khoảng 55% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Trên toàn cầu, con số này là 38%, trong khi ở châu Phi mới dừng ở mức 7%.
Động thái cung cấp vaccine của hãng Moderna (sử dụng công nghệ mRNA) đánh dấu bước chuyển đối với Canada, khi trước đây Canada cam kết cung cấp hầu hết là vaccine của AstraZeneca.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Canada cũng cam kết đầu tư 15 triệu CAD để giúp xây dựng năng lực sản xuất vaccine công nghệ mRNA ở Nam Phi và tài trợ 20% quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Canada tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (SDR) để hỗ trợ khắc phục đại dịch ở các nước đang phát triển. Giá trị tài trợ bằng SDR của Canada ước khoảng 3,7 tỷ CAD.
Cơ chế COVAX gặp vấn đề về nguồn cung vaccine khi Viện Serum của Ấn Độ - nhà cung cấp vaccine lớn nhất thế giới - cắt giảm xuất khẩu để có thể cung cấp cho thị trường Ấn Độ. Nếu Viện Serum không khôi phục hoạt động xuất khẩu, COVAX khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đề nghị các nhà lãnh đạo G20 tài trợ ngay 550 triệu liều vaccine nữa để đảm bảo rằng ít nhất 40% dân số thế giới có thể được tiêm chủng vào cuối năm nay./.