Trong bối cảnh cuộc đình công và biểu tình do các tổ chức công đoàn phát động nhằm chống lại kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của Chính phủ Pháp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, báo Le Monde phân tích những khó khăn của các nhà lãnh đạo công đoàn và các chính trị gia khi tham gia vào quá trình hòa giải.
Nếu như phong trào công đoàn chống lại cải cách lương hưu đang gây ra sự gián đoạn lớn đặc biệt là trong ngành giao thông công cộng, còn có một tác động khác mang đến những mối đe dọa cho tương lai của nền dân chủ xã hội, đó là sự thỏa hiệp.
Không giống như Đức hay các nước Scandinavi, Pháp không có văn hóa thỏa hiệp. Ở một mức độ lớn, chủ nghĩa công đoàn, ban đầu mang tính cách mạng, được xây dựng trên cơ sở chối bỏ hệ thống tư bản.
Tuy nhiên, vào tháng 6/1936, để chấm dứt các cuộc đình công vẫn tiếp diễn sau khi Chính phủ và các tổ chức công đoàn lớn đã ký kết thỏa thuận Matignon, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez đã khẳng định sự cần thiết của việc "biết cách kết thúc một cuộc đình công."
Ông lưu ý thậm chí phải biết cách đồng ý thỏa hiệp cho dù tất cả các yêu sách chưa được chấp nhận hết.
Tại tâm điểm của cơn bão xã hội hiện nay, ông Laurent Brun, lãnh đạo chi nhánh Liên đoàn lao động CGT tại Công ty đường sắt quốc gia, đi đầu trong việc chống thỏa hiệp và từ chối "đình chiến" trong ngày lễ Giáng Sinh sắp đến.
Năm 2018, ông đã lãnh đạo một cuộc đình công kéo dài để yêu cầu Chính phủ hủy bỏ cải cách ngành đường sắt. Ông đã thất bại và cho rằng sự thất bại này "củng cố ý tưởng rằng ngay cả khi tập hợp được những lực lượng rất mạnh mẽ, người ta cũng không thể chiến thắng."
Tổng thống Emmanuel Macron muốn thực hiện kế hoạch cải cách lương hưu, nhằm loại bỏ 42 chế độ đặc biệt hiện hành như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử của mình.
Chính vì vậy, ông Macron đang thay đổi phương pháp hành động, khi quay trở lại coi trọng sự đàm phán và đối thoại xã hội. Ông có thể dựa vào các tổ chức công đoàn cấp tiến đang ủng hộ việc thiết lập một hệ thống lương hưu phổ quát.
[Tổng thống Pháp loại trừ khả năng hoãn kế hoạch cải cách hưu trí]
Laurent Berger, Tổng thư ký Liên đoàn lao động dân chủ (CFDT), là một người được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ông ủng hộ cải cách hệ thống lương hưu, nhưng không đồng tình với nhiều chi tiết trong kế hoạch đó, như dự định kéo dài tuổi về hưu đến 64 tuổi kể từ năm 2027.
Trong cuộc họp chiều 19/12 với các tổ chức công đoàn và đại diện giới chủ, Thủ tướng Edouard Philippe vẫn giữ nguyên lập trường về độ tuổi về hưu.
Tuy nhiên, ông tuyên bố sẵn sàng chấp nhận sự điều chỉnh liên quan đến các công việc nặng nhọc, mức lương hưu tối thiểu, thực hiện cải cách dần từng bước và sự chuyển tiếp khi kết thúc sự nghiệp, cũng như các phương tiện để đảm bảo cân bằng tài chính của hệ thống.
Kết thúc cuộc họp, đại diện các công đoàn phản đối triệt để cải cách vẫn giữ nguyên yêu cầu Chính phủ xóa bỏ kế hoạch, và kêu gọi tiếp tục đình công trong kỳ nghỉ lễ, cũng như tổ chức một đợt biểu tình liên ngành toàn quốc vào ngày 9/1 tới.
Trong khi đó, đại diện các công đoàn cấp tiến tỏ ra mềm dẻo hơn, khi ghi nhận một số thay đổi trong kế hoạch của Chính phủ và kêu gọi tạm ngừng đình công vào dịp lễ cuối năm.
Giới quan sát cho rằng các cuộc đối thoại sẽ tiếp tục trở lại vào tháng 1/2020. Vẫn còn thời gian để các bên tìm cách chấm dứt cuộc đình công hiện đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, phải chăng sẽ là thông qua thỏa hiệp?
Báo Le Monde đưa tin “Cải cách lương hưu: Chính phủ không nhượng bộ, các công đoàn cũng không lùi bước,” trong đó đề cập đến cuộc đấu bất phân thắng bại giữa Chính phủ và các nghiệp đoàn.
Ngày 17/11, để gia tăng áp lực đối với Chính phủ, các thành viên cực đoan của nghiệp đoàn CGT của tập đoàn Điện quốc gia Pháp đã cố ý ngắt điện của 170.000 hộ gia đình ở nhiều nơi trên toàn nước Pháp.
Trong bài viết “Nghiệp đoàn CGT gây ra các vụ mất điện,” báo Le Figaro nhận định, sau khi làm tê liệt hệ thống giao thông, nghiệp đoàn CGT đã thực hiện các động thái mới có thể bùng nổ nhiều tranh cãi và thậm chí có phần cực đoan.
Bộ trưởng Môi trường chỉ trích mạnh mẽ hành động tiêu cực, phi pháp của CGT và cảnh báo việc cắt điện tùy tiện như vậy có thể gây ra nhiều hậu quả.
Trên thực tế, không chỉ cắt điện của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn, trung tâm thương mại và các hộ gia đình, chẳng hạn ở Lyon, CGT còn cắt điện của năm bệnh viện tư nhân, một trạm tàu điện, một đơn vị cứu hộ cứu hỏa.
Quan chức Chính phủ kêu gọi lãnh đạo các cơ quan quản lý mạng điện RTE và Enedis khởi kiện CGT.
Trong bài viết “Một cuộc đình công đối diện với nguy cơ trở nên cực đoan,” báo La Croix trích một đại diện của một nghiệp đoàn ủng hộ dự án cải cách lương hưu, theo đó nhiều thành viên CGT đã thực sự trở nên cực đoan và chỉ muốn duy trì chế độ lương hưu vốn có lợi cho họ.
Người này nhấn mạnh CGT bắt đầu đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của nghiệp đoàn.
Báo La Croix nhắc lại rằng, tại tập đoàn điện EDF của Pháp, đây không phải lần đầu tiên biện pháp cắt điện được CGT sử dụng để gây sức ép cho Chính phủ. Vào những năm 1970, chính nghiệp đoàn này đã đe dọa “đẩy nước Pháp vào bóng đêm."
Phủ Tổng thống cũng từng bị cắt điện vào năm 2004, gia đình các bộ trưởng bị tháo đồng hồ đo điện khi Chính phủ muốn cải tổ EDF.
Dù nước Pháp đang vướng vào phong trào đấu tranh chống cải cách lương hưu, nhưng trên lĩnh vực kinh tế, Le Monde nhận định kinh tế đất nước vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Pháp dự báo đạt 1,3%, sức mua tăng thêm 1,6%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Theo dự báo Viện Thống kê Pháp công bố mới đây, dù giảm nhẹ một chút so với dự báo ban đầu, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Pháp vẫn cao hơn của cả Khu vực sử dụng đồng euro, nhất là nước láng giềng Đức.
Năm 2019, nền kinh tế Pháp đã tạo được thêm 263.000 việc làm, so với con số 230.000 của năm 2018. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, các ngành dịch vụ phát triển năng động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhưng chủ yếu là các công việc không đòi hỏi trình độ cao.
Nước Pháp, với nền công nghiệp hướng tới các lĩnh vực dược phẩm, hàng xa xỉ, vũ khí và hàng không vũ trụ, được coi là được định hướng ngành nghề tốt hơn nước Đức, vốn chuyên về xe ôtô, hóa học và sản phẩm công nghiệp - 3 lĩnh vực đang đi xuống.
Trong khi sản xuất của Đức giảm 5% trong năm 2019, thì sản xuất của Pháp lại tăng 3%. Nước Pháp đã được chuẩn bị tốt hơn để có thể tranh thủ được sự phục hồi của thương mại quốc tế./.