Pháp chỉ định nghị sỹ mới giám sát đàm phán cải cách hưu trí

Nghị sỹ Laurent Pietraszewski sẽ đảm nhận nhiệm vụ giám sát các cuộc đàm phán về cải cách hệ thống hưu trí của Pháp, thay thế người tiền nhiệm Jean-Paul Delevoye vừa từ chức.
Người dân tham gia biểu tình phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí tại Paris, Pháp ngày 17/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân tham gia biểu tình phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí tại Paris, Pháp ngày 17/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/12, Pháp đã chỉ định nghị sỹ Laurent Pietraszewski đảm nhận nhiệm vụ giám sát các cuộc đàm phán về cải cách hệ thống hưu trí của quốc gia này, thay thế người tiền nhiệm Jean-Paul Delevoye vừa từ chức.

Quyết định trên được đưa ra sau khi chiều 17/12, Thủ tướng Edouard Philippe xác nhận một loạt cuộc làm việc song phương với từng tổ chức công đoàn sẽ diễn ra ngày 18/12 tại Văn phòng Thủ tướng, và cuộc họp nhiều bên sẽ được tổ chức ngày 19/12.

Bước đi này nhằm tìm ra lối thoát trước Giáng sinh cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.

Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch cải cách, hướng tới một chế độ hưu trí mới đồng nhất, thay thế cho 42 chế độ khác nhau hiện nay.

[Thủ tướng Pháp cương quyết thúc đẩy kế hoạch cải cách hưu trí]

Ông nhấn mạnh hệ thống mới sẽ công bằng hơn, minh bạch hơn, mở ra cơ hội nghỉ hưu sớm cho nhiều viên chức làm việc trong lĩnh vực công, cũng như cải thiện mức lương cho phụ nữ và những người thu nhập thấp.

Các kế hoạch cải cách hưu trí của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron nhằm thay đổi chế độ hưu trí trên toàn nước Pháp đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghiệp đoàn lớn.

Tính đến 17/12, các cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc theo lời kêu gọi của những nghiệp đoàn này đã bước sang ngày thứ 13, làm tê liệt mạng lưới giao thông, khiến nhiều trường học phải đóng cửa.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết có tới 615.000 người tham gia hơn 100 cuộc biểu tình trên toàn quốc chỉ riêng trong ngày này.

Tại thủ đô Paris, khoảng 76.000 người xuống đường biểu tình, khiến Tháp Eiffel phải đóng cửa.

Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) ước tính khoảng 1,8 triệu người biểu tình đã xuống đường trên khắp cả nước, cao hơn so với con số 1,5 triệu người mà tổ chức này ghi nhận trong cuộc biểu tình quy mô lớn lần gần nhất hôm 5/12.

CGT và 4 nghiệp đoàn khác đã ra "tối hậu thư" chung, nhấn mạnh các tổ chức này sẽ không ngừng tổ chức biểu tình qua cả Giáng sinh trừ khi chính phủ đáp ứng các yêu cầu của họ "trong những giờ tới"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.