Căng thẳng gia tăng, Liên hợp quốc báo động về tình trạng nhân đạo ở Syria

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), do căng thẳng ở Tây Bắc Syria, hàng chục nghìn gia đình phải di dời ở Hama, khoảng 3.000 gia đình đã chạy đến Homs.

Người dân tại khu vực cửa khẩu Al-Arida giữa Syria và Liban ngày 30/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân tại khu vực cửa khẩu Al-Arida giữa Syria và Liban ngày 30/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 5/12, các nhân viên nhân đạo của Liên hợp quốc bày tỏ vô cùng lo ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Tây Bắc Syria.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết chính quyền địa phương đã báo cáo hàng chục nghìn gia đình phải di dời ở Hama, khoảng 3.000 gia đình đã chạy đến Homs.

Hama là thành phố đích đến của những người chạy trốn khỏi giao tranh ở trong và xung quanh Idleb và Aleppo. Hiện tại, có báo cáo về tình hình giao tranh dữ dội ở Homs. OCHA cho biết các đồng nghiệp và đối tác đang tiếp tục hỗ trợ những người phải di dời.

Ông David Carden, phó điều phối viên nhân đạo khu vực về cuộc khủng hoảng Syria, đã dẫn đầu một phái bộ xuyên biên giới của Liên hợp quốc đến Idlib để đánh giá tình hình, cùng với các nhân viên nhân đạo khác từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan An toàn và an ninh của Liên hợp quốc (UNDSS).

Nhóm đã đến thăm một trung tâm tiếp nhận ở Dana, nơi tiếp nhận hàng chục hộ gia đình mới phải di dời do giao tranh và đã nói chuyện với những gia đình phải rời bỏ nhà cửa ở phía Tây Aleppo.

Trong chuyến thăm, UNHCR và một đối tác địa phương đã cung cấp nệm, chăn, nguyên liệu nấu ăn và các vật dụng khác. OCHA cho biết: "Những người ở trung tâm tiếp nhận rất cần hỗ trợ về nước và vệ sinh, cũng như đồ sưởi ấm."

Nhóm nhân viên nhân đạo của Liên hợp quốc cũng đã đến thăm Bệnh viện phẫu thuật Sham, nơi đang điều trị cho những bệnh nhân bị thương trong các cuộc tấn công gần đây. WHO đã cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện, bao gồm cả bộ dụng cụ chấn thương, trong khi các nhân viên y tế không được trả lương do thiếu kinh phí.

OCHA cho biết kể từ khi bắt đầu leo thang xung đột vào tuần trước, hơn 30 cơ sở y tế ở Tây Bắc Syria đã đóng cửa, gây áp lực rất lớn cho các bệnh viện còn lại đang hoạt động.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã mở rộng quy mô hoạt động để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi giao tranh. Cơ quan này đã cung cấp khẩu phần ăn sẵn, các bữa ăn nóng và đã phục vụ hơn 10.700 người.

OCHA cho biết hoạt động cung cấp bữa ăn nóng đang được đẩy mạnh với sự giúp đỡ của các đối tác. Một bếp ăn do WFP hỗ trợ đã bắt đầu hoạt động tại Aleppo từ ngày 3/12 và một bếp ăn khác hiện đang ở Homs.

WFP cung cấp thực phẩm cho những người phải di dời ở cả hai bên chiến tuyến. Cơ quan này đang nỗ lực đàm phán về các hành lang cung cấp an toàn để có thể phản ứng nhanh chóng và đáng kể đối với những người có nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục