Những căng thẳng leo thang gần một tuần nay sau thông tin về một vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria, nguy cơ tên lửa Tomahawk của Mỹ dội xuống Syria, kéo theo khả năng nổ ra xung đột trực tiếp với Nga - một cường quốc hạt nhân đang có sự hiện diện quân sự tại Syria - có vẻ tạm lắng.
Cho dẫu mọi phương án đã được đặt lên bàn, nhưng đến thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về một vụ tấn công quân sự nhằm vào Syria. Ở phía đối diện, những nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt “những cái đầu nóng” xoay quanh câu chuyện vũ khí hóa học tại Syria lại có vẻ phát huy hiệu quả.
Nỗ lực ngăn cản một cuộc chiến của quốc tế
Trước hết phải kể đến những nỗ lực tích cực của Liên hợp quốc nhằm làm rõ thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, với những kết quả cụ thể đầu tiên. Các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang trên đường tới Syria và sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 14/4 tới để điều tra vụ tấn công nghi sử dụng khí độc tại thị trấn Douma.
[Toàn cảnh nguy cơ xảy ra cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria]
Nga và Syria trước đó đều yêu cầu các chuyên gia OPCW tới tận Douma, đồng thời cam kết sẵn sàng hợp tác và tạo mọi điều kiện để phái đoàn có thể điều tra khách quan vụ việc.
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các bên vẫn tiếp tục thảo luận về chủ đề “vũ khí hóa học” tại Syria. Liên tiếp, ngày 12/4 diễn ra phiên họp theo đề nghị của Bolivia, để thảo luận về "sự leo thang những phát biểu gây hấn về Syria và những đe dọa hành động quân sự đơn phương," và cuộc họp ngày 13/4 theo đề nghị của Nga.
Việc không xuất hiện thông tin về những “màn khẩu chiến” giữa các nước ủy viên Hội đồng Bảo an như trong các phiên họp trước đó, đang được xem là tín hiệu tích cực ban đầu. Trao đổi với các phóng viên sau cuộc họp, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết "ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh," đặc biệt là đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ tại Syria.
Hai bên Mỹ - Nga đều có động thái giảm tông
Cùng lúc, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố: "Chúng tôi vẫn tin rằng cần phải tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm leo thang căng thẳng tại Syria." Tất cả được coi là thông điệp rằng dù cảnh báo sẽ bắn hạ các tên lửa của Mỹ tấn công Syria, Moskva vẫn tìm mọi cách ngăn một cuộc chiến tranh chắc chắn không có bên nào thắng tại Syria.
Bên phía chính quyền Mỹ, những lời đe dọa chiến tranh cũng “giảm tông” đáng kể. Từ cảnh báo của Tổng thống Trump rằng "những tên lửa thông minh sẽ được phóng tới" Syria hay như : "Nga nên 'chuẩn bị sẵn sàng' cho một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria", tới tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter hôm 12/4: "Tôi chưa bao giờ nói khi nào một cuộc tấn công Syria sẽ xảy ra,” dường như ông chủ Nhà Trắng đã bớt cứng rắn hơn trong những đe dọa về hành động quân sự tại Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cùng ngày lên tiếng hối thúc sự thận trọng và xem xét một chiến lược rộng hơn. Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện, ông Mattis nói rằng việc trả đũa một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học cần phải được cân bằng với nguy cơ chiến tranh lan rộng hơn.
Ông Mattis cũng cho biết Mỹ vẫn đánh giá các thông tin tình báo để xác định xem “liệu có phải Chính phủ Syria là thủ phạm tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gần đây hay không?” Phát biểu này của người đứng đầu Lầu Năm Góc đã trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley rằng Mỹ “đã đủ bằng chứng” về vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria!
Các cường quốc đồng loạt tuyên bố không tham chiến
Một trong những dấu hiệu quan trọng để thúc đẩy con đường ngoại giao nhằm tránh một cuộc leo thang chiến tranh tại Syria, là hàng loạt các cường quốc đã tuyên bố không tham chiến.
Ngày 12/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định Đức sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào chính quyền Syria để đáp trả một vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học.
[Đức sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Syria]
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hạ thấp khả năng Pháp tấn công Syria, và nói thêm rằng "Pháp sẽ không để bất kỳ sự leo thang nào có thể gây tổn hại ổn định tại khu vực." Đây được xem là một sự thay đổi quan điểm đáng kể của Chính phủ Pháp bởi chỉ mới hôm trước ông Macron còn khẳng định Pháp sẵn sàng cùng Mỹ tấn công Syria, rằng Pháp có "bằng chứng" về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Diễn biến đáng chú ý nữa là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng vừa điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về vấn đề Syria, một ngày sau khi điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vladimir Shamanov cho hay các tham mưu trưởng của Nga và Mỹ đã bắt đầu đối thoại thông qua những kênh liên lạc do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Nhiều tờ báo và kênh truyền hình lớn ở Mỹ như Washington Post, CNN, New York Times... có chung nhận định rằng đã xuất hiện những dấu hiệu về các nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc chiến có quy mô toàn cầu.
Theo nhà phân tích Nicholas Heras thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, những tuyên bố trong ngày 12/4 của hai tổng thống Trump và Macron chứng tỏ Mỹ và Pháp đã phải công nhận rằng những cuộc tấn công thiếu chiến lược sẽ không đạt hiệu quả. Theo ông Heras, điều mà Mỹ và Pháp đang nhắm đến là “buộc Nga phải ngồi xuống đàm phán.” Điều đó hé lộ quan điểm của Mỹ trong vụ này có thể là dùng “vũ lực quân sự để đạt mục đích ngoại giao."
Xét trên quan điểm này, những tuyên bố của Mỹ về đòn tấn công quân sự vào Syria được coi là tạo thêm tình huống “căng thẳng” mà thực chất là để “khoe sức mạnh.” Đích đến của màn “diễu võ dương oai” lần này được hiểu là bước kế tiếp triển khai chính sách khôi phục lại tầm ảnh hưởng bị lung lay của Mỹ tại Trung Đông trước sự “trỗi dậy” thành công của Nga. Chuyên gia quân sự Andrey Payusov cho rằng kể cả nếu Mỹ tấn công Syria thì đó sẽ chỉ là những đòn “tấn công thẩm mỹ,” vào những cơ sở không quan trọng và sẽ không có đụng độ lớn.
Thời điểm cho những đề xuất ngoại giao
Tuy vậy, hiện vẫn chưa thể loại trừ một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, bởi quyết định tấn công chỉ bị hoãn chứ không bị hủy bỏ, hơn nữa Tổng thống Trump vẫn được xem là người không nhất quán với những hành động khó lường.
Những “cái đầu nóng” xem ra mới nguội bớt chứ chưa hoàn toàn dịu lại, và đây là thời điểm của những đề xuất ngoại giao có thể phát huy hiệu quả nhất. Và, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính là địa điểm "lý tưởng" để Mỹ, Nga và các quốc gia liên quan trực tiếp nêu quan điểm, hóa giải những mâu thuẫn, hoặc chí ít là kéo dài thời gian cho những “cuộc mặc cả” hậu trường diễn ra quyết liệt trên các kênh khác.
Những cách tiếp cận phi bạo lực để giải quyết câu chuyện vũ khí hóa học tại Syria đang được kỳ vọng sẽ được hé mở tại các phiên họp tiếp theo của Hội đồng Bảo an./.