Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động hai mặt tới ngành thép

Đồng USD cao trong khi đồng nhân dân tệ giảm mạnh được dự báo sẽ có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực tới các ngành sản xuất thép, cơ khí trong nước.
Thép cán ra lò. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã khiến cho đồng đôla Mỹ (USD) ở mức cao, trong khi đồng nhân dân tệ lại giảm mạnh. Điều này được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp ngành thép, cơ khí dự báo sẽ có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực tới các ngành sản xuất trong nước.

Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian qua, ngành thép trong nước đã có nhiều chuyển biến về chất và lượng với mức tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, hằng năm, ngành thép Việt vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thép thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, chiếm hơn 50% trong tổng lượng thép nhập khẩu.

Vì vậy, đồng nhân dân tệ giảm mạnh chắc chắn sẽ có tác động hai mặt đến ngành hàng. Một mặt, doanh nghiệp được nhập hàng với giá cả hợp lý cạnh tranh nhưng ngược lại, các sản phẩm thép Trung Quốc như thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, các loại tôn... có khả năng nhập ồ ạt vào Việt Nam, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong lĩnh vực thép, cho biết đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến giá các sản phẩm của Trung Quốc cạnh tranh hơn sản phẩm tôn, thép Việt, từ đó, sẽ thúc đẩy mạnh hơn việc hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

Ngược lại, hàng Việt sẽ khó vào Trung Quốc hơn, do người dân Trung Quốc phải trả số tiền lớn hơn để nhập cùng một lượng hàng như trước.

Đối với đồng USD tăng giá, ông Sưa cho rằng doanh nghiệp nào đã có hợp đồng xuất khẩu thanh toán bằng USD sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, khi tỷ giá nhân dân tệ/USD tiếp tục giảm mạnh thì hàng Trung Quốc sẽ có lợi khi xuất khẩu sang Mỹ hơn Việt Nam.

Theo ông Sưa, biện pháp căn cơ nhất để ứng phó với thép Trung Quốc tràn vào vẫn là các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, trong đó, tiêu chí cạnh tranh nhất phải là giá cả.

Trong nước cũng có nhiều doanh nghiệp chiếm lĩnh rất tốt thị phần như Hòa Phát, Hoa Sen, Tổng công ty Thép hay Posco...

[Ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng về cuối năm]

Về phía cơ quan nhà nước, cũng cần có sự tính toán để can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá trong thời gian tới.

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc-luyện kim Việt Nam, đồng thời là chuyên gia nhiều năm trong ngành tôn thép, nhận định Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Mỗi năm, nước này xuất khẩu hàng chục triệu tấn tôn thép các loại. Việc giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm tôn thép của Trung Quốc vào Việt Nam thuận lợi hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, việc thép Trung Quốc vào Việt Nam một phần sẽ giúp giải tỏa lượng hàng còn tồn dư tại quốc gia này, một phần rất có thể sẽ "đội lốt" hàng Việt để lẩn tránh thuế, xuất khẩu sang các nước thứ ba.

Không chỉ ngành thép, ngành cơ khí, sản xuất phụ tùng trong nước cũng chịu tác động không nhỏ từ cuộc chiến này.

Sản xuất phôi thép tại nhà máy luyện thép. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, đồng nhân dân tệ xuống thấp sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu các phụ tùng, linh kiện để sản xuất với giá rẻ hơn trước đây. Song mặt khác, về lâu dài, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các sản phẩm giá rẻ, bán ra cùng loại trên thị trường trong nước và cả xuất khẩu.

"Đây cũng không phải là vấn đề quá mới khi đánh giá, bởi chúng tôi cũng đã có những phân tích và dự báo trước về những tác động của cuộc chiến thương mại này. Điều quan trọng là bản thân doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm bán ra có chất lượng và giá thành hợp lý. Có như vậy, mới giữ chân được các bạn hàng tại thị trường các nước. Hiện chúng tôi cũng đang làm việc với phía doanh nghiệp Nhật Bản để cơ cấu lại sản xuất và hợp tác, cung ứng hàng hóa với phía họ," ông Kết nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục