Căng thẳng Trung Đông 'nhấn chìm' Phố Wall phiên thứ hai liên tiếp

Kết thúc phiên đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 248,13 điểm, tương đương 0,65%, xuống 37.735,11 điểm; chỉ số S&P 500 mất 61,59 điểm, tương đương 1,20%, xuống 5.061,82 điểm.

Hoạt động giao dịch tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hoạt động giao dịch tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/4, do đà tăng đầu phiên nhờ báo cáo doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ đã bị xóa sạch bởi sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và lo ngại về căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 248,13 điểm, tương đương 0,65%, xuống 37.735,11 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 61,59 điểm, tương đương 1,20%, xuống 5.061,82 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 290,07 điểm, tương đương 1,79%, xuống 15.885,02 điểm.

Như vậy, chỉ số S&P 500 đã mất 2,64% trong hai phiên vừa qua, đây là mức giảm lớn nhất trong hai ngày kể từ đầu tháng 3/2023. Chỉ số này cũng đóng cửa dưới mức trung bình 50 ngày, một mức hỗ trợ kỹ thuật, lần đầu tiên kể từ ngày 2/11/2023.

Sau khi chỉ số S&P 500 chứng kiến mức giảm theo phần trăm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 31/1/2024 trong phiên trước đó, Phố Wall mở cửa phiên 15/4 trong “sắc xanh,” một phần nhờ dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 3/2024.

Cùng hỗ trợ đà tăng ban đầu là xu hướng tăng giá của một số cổ phiếu tài chính sau kết quả kinh doanh hàng quý tích cực.

Giá cổ phiếu của Goldman Sachs tăng 2,92% sau khi lợi nhuận quý 1/2024 tăng vượt dự báo của Phố Wall, được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong hoạt động bảo lãnh phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), cũng như giao dịch trái phiếu.

Tuy nhiên, đà tăng đã thoái lui dần về cuối phiên do lo ngại căng thẳng giữa Israel và Iran có thể tiếp tục bùng phát, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 112023.

Ông Ken Polcari, đối tác quản lý tại Kace Capital Advisors ở Boca Raton, cho biết: “Tất cả các vấn đề địa chính trị sẽ gây ra lo lắng trên thị trường, việc nhận ra rằng lãi suất sẽ không giảm sớm bất cứ lúc nào cuối cùng cũng đã đến, đó là những gì thị trường trái phiếu đang phát tín hiệu.”

Tại thị trường Việt Nam, áp lực bán tăng nhanh trong phiên chiều 15/4 khiến VN-Index giảm mạnh nhất 23 tháng. Hầu hết các nhóm cổ phiếu giảm rất sâu, nhiều mã giảm hết biên độ.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm gần 60 điểm (4,7%) xuống mốc 1.216,61 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam trong vòng 23 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục