Ngày 3/4, Cơ quan An toàn Thực phẩm của Liên minh châu Âu (EFSA) đã cảnh báo về một đại dịch cúm gia cầm quy mô lớn nếu virus có khả năng lây truyền từ người sang người, do con người thiếu miễn dịch với loại virus như vậy.
Trong báo cáo, EFSA nêu rõ số đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trong mùa này đã giảm nhưng dịch bệnh lại lan rộng về mặt địa lý, lây lan sang cả Nam Cực và lây lan sang số lượng ngày càng nhiều động vật có vú.
Điều này làm tăng nguy cơ dịch bệnh diễn tiến thành mối đe dọa lớn hơn đối với con người. Cho đến nay chưa ghi nhận virus cúm gia cầm lây truyền từ người sang và số ca nhiễm cúm gia cầm từ động vật mắc bệnh sang người cũng rất hiếm.
Tuy nhiên, những virus này tiếp tục phát triển trên toàn cầu và với việc các loài chim hoang dã di cư, có thể xuất hiện các chủng virus mới mang các đột biến tiềm tàng, gây hại cho động vật có vú.
Nếu virus cúm A-H5N1 đột biến, có khả năng lây lan mạnh ở người, có thể xảy ra kịch bản dịch bệnh lây truyền trên quy mô lớn do con người thiếu khả năng miễn dịch với loại virus đột biến này.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi bang Texas của Mỹ thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 ở một người có tiếp xúc với bò sữa được cho là nhiễm virus này.
Tình trạng lây lan virus cúm gia cầm đang là mối lo ngại của các chính phủ và ngành chăn nuôi gia cầm do dịch bệnh này tàn phá đàn gia cầm và có nguy cơ lây truyền sang người.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có khoảng 887 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu từ tháng 1/2003-26/2/2024. Trong số này có 462 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 52%.
Phần lớn các trường hợp ở người được phát hiện nhiễm bệnh từng tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết, hoặc tới các chợ gia cầm sống hoặc tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh./.
Phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trên xác chim cánh cụt ở Nam Cực
Các nhà nghiên cứu phát hiện xác 35 con chim cánh cụt tại Quần đảo Falkland ở phía Nam Đại Tây Dương vào ngày 19/1 vừa qua, hai xác chim trong số đó có kết quả dương tính với virus H5N1.