Cảnh báo nguy cơ 'sông băng Ngày tận thế' tan nhanh hơn

Sông băng Thwaites còn được gọi là "sông băng Ngày tận thế" vì nguy cơ sụp đổ cao và có thể khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm vài mét.
Sông băng Thwaites ở Nam Cực. (Nguồn: CNN)

Các nhà khoa học cảnh báo sông băng Thwaites ở Nam Cực có nguy cơ thu hẹp nhanh trong những năm tới, làm gia tăng quan ngại về tình trạng nước biển dâng cao và đi kèm với nguy cơ sông băng này sụp đổ.

Sông băng Thwaites còn được gọi là "sông băng Ngày tận thế" vì nguy cơ sụp đổ cao và có thể khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm vài mét.

Sông băng Thwaites đang xói mòn ở đáy khi Trái Đất ấm lên.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Geoscience ngày 5/9, các nhà khoa học đã phác họa bản đồ sông băng Thwaites thu hẹp trong quá khứ, với hy vọng có thể dự báo tình trạng sông băng này trong tương lai.

Họ phát hiện ra rằng trong 2 thế kỷ qua đã có thời điểm đáy của sông băng tách rời khỏi đáy biển và rút đi với tốc độ 2,1km/năm.

Tốc độ này cao gấp đôi so với tốc độ mà các nhà khoa học ghi nhận trong thập kỷ qua.

[Băng tan chảy khiến mực nước biển trên toàn cầu tăng mỗi năm 3,1mm]

Theo trưởng nhóm tác giả, nhà địa vật lý hàng hải Alastair Graham của Đại học South Florida (Mỹ), có khả năng sự tách rời nhanh như vậy xảy ra thời gian gần đây, có thể là vào giữa thế kỷ 20.

Nghiên cứu cho thấy sông băng Thwaites có thể sẽ trải qua một đợt rút đi nhanh trong tương lai gần, nhất là khi nó rút qua một sườn núi dưới đáy biển vốn đang giúp neo giữ đáy sông băng.

Robert Larter, nhà địa vật lý biển và là đồng tác giả của nghiên cứu từ British Antarctic Survey, nhận định trong tương lai, sông băng Thwaites sẽ trải qua sự thay đổi lớn trong thời gian ngắn, thậm chí tính bằng năm, một khi sông băng này rút qua sườn núi.

Sông băng Thwaites nằm ở Tây Nam Cực là một trong những sông băng rộng nhất trên Trái Đất, lớn hơn bang Florida của Mỹ.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sông băng này là một phần của dải băng Tây Nam Cực, khu vực này chứa đủ băng để nâng mực nước biển lên tới 4,8m.

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu tăng tốc, khu vực này đã được theo dõi chặt chẽ vì tình trạng tan băng nhanh chóng và khả năng phá hủy bờ biển trên diện rộng.

Sông băng Thwaites đã khiến các nhà khoa học lo ngại trong nhiều thập kỷ. Ngay từ năm 1973, các nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề liệu có nguy cơ cao sông băng này sụp đổ hay không.

Gần một thập kỷ sau, họ phát hiện rằng sông băng này gắn với đáy biển, do đó, các dòng hải lưu ấm có thể làm tan băng từ đáy sông băng, khiến nó mất ổn định từ bên dưới.

Chính vì nghiên cứu này mà các nhà khoa học bắt đầu gọi khu vực xung quanh Thwaites là “phần dễ tổn thương của dải băng Tây Nam Cực."

Trong thế kỷ 21, các nhà khoa học bắt đầu ghi lại tình trạng sông băng Thwaites rút nhanh với một loạt nghiên cứu đáng báo động.

Năm 2001, dữ liệu vệ tinh cho thấy đáy sông băng tách khỏi đáy biển với tốc độ khoảng 1 km/năm.

Vào năm 2020, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng nước ấm đang chảy qua đáy sông băng, làm tan băng từ bên dưới.

Đến năm 2021, một nghiên cứu cho thấy Thềm băng Thwaites có thể sụp đổ trong vòng 5 năm. Thềm băng này giúp ổn định sông băng và ngăn băng chảy vào đại dương.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy những vết nứt lớn lan rộng trên bề mặt thềm băng, làm suy yếu kết cấu và có nguy cơ khiến băng vỡ thành nhiều mảng.

Những phát hiện mới nhất cho thấy sông băng Thwaites có thể thu hẹp với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đây.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể sớm để thu thập các mẫu từ đáy biển nhằm xác định những thời điểm xảy ra các đợt tan băng nhanh trước đây, từ đó dự đoán những thay đổi trong tương lai của sông băng.

Trước đây các nhà khoa học cho rằng sông băng Thwaites sẽ thay đổi rất chậm, nhưng chuyên gia Graham khẳng định nghiên cứu nói trên bác bỏ quan điểm đó.

Theo ông, chỉ cần một tác động nhỏ đối với sông băng Thwaites có thể dẫn đến những thay đổi lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục