Mùa mưa lũ năm nào ở các tỉnh miền Trung cũng xảy ra tình trạng sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi. Nhưng năm 2020 vừa qua là năm khu vực này chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản.
Thực tế cho thấy công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai còn tồn tại những hạn chế như nhận thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều. Việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng phòng tránh thiên tai nói riêng còn thiếu đồng bộ. Do vậy, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm được xem là những giải pháp khả thi để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Xây dựng chiến lược cảnh báo
Thiệt hại do mưa, bão, sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển để lại hậu quả thảm khốc đều xuất phát bởi hai yếu tố cơ bản là thiên tai và con người.
Do vậy, để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, cần có giải pháp để vừa thích nghi với biến đổi khí hậu, vừa quy hoạch, xây dựng hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, môi trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác dự báo, cảnh báo.
Đánh giá về năng lực cảnh báo, dự báo sớm, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung-Tây Nguyên Nguyễn Văn Vỹ nhận định lũ lịch sử đã xảy ra trên nhiều sông tại miền Trung. Không những miền núi, vùng ven biển, ven sông cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng có cả khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế. Hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp.
Về nguyên nhân khách quan, thiên tai gần đây diễn ra khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử cả về số lượng lẫn cường độ. Bên cạnh đó, các tỉnh miền Trung có địa hình đồi núi dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, dễ dẫn đến sạt lở.
Để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, các cấp cần hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật phòng, chống thiên tai; xây dựng chiến lược, bản đồ cảnh báo phù hợp; thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; kiểm soát việc đầu tư xây dựng công trình gắn với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình như giao thông, thủy điện và các công trình phát triển kinh tế-xã hội, sắp xếp dân cư khu vực miền núi, cần tính toán khoa học, bền vững, vừa phát huy được công năng tối đa nhất, tăng độ che phủ rừng, làm giàu trữ lượng rừng đồng thời thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo sớm để phòng, chống thiên tai một cách chủ động, giảm thiểu thiệt hại, ông Nguyễn Văn Vỹ đề xuất.
Đánh giá cao vai trò của công tác cảnh báo, dự báo sớm và những giải pháp khả thi để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tiến sỹ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Internet vạn vật (IOT) và mạng cảm biến không dây (WSN); công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi giám sát và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vực miền Trung.
Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương, có thể ứng dụng để kịp thời cảnh báo cho địa phương di dời dân, giảm thiểu tổn thất trước thiên tai.
Hài hòa với thiên nhiên trong xây dựng kết cấu hạ tầng
“Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã đề xuất các cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong thời gian tới.
Cụ thể, Chính phủ giao các bộ chuyên ngành rà soát, xây dựng mới, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở… trong vùng đặc thù có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.
Đồng thời, các tỉnh, thành có nguy cơ xảy ra lũ quét cần xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa; xây dựng bảng tiêu chí phân loại nguy cơ, lập đề án rà soát các khu dân cư, điểm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh.
Các địa phương cần nghiên cứu xây dựng bản đồ độ che phủ rừng tự nhiên bằng công nghệ vệ tinh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng số liệu cơ sở cho nghiên cứu phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất," Tiến sỹ Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết thêm.
[Miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thiên tai và nhân tai]
Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng việc theo dõi, cảnh báo, ứng phó, cứu hộ cứu nạn nạn nhân sạt lở đất phải được triển khai đến từng cấp cơ sở, cấp xã, cấp thôn bản và tới từng hộ dân. Chính sách bảo hiểm thiên tai cần phải được thực hiện. Thảm rừng cần được phục hồi và bảo vệ một cách thực chất, thực sự nghiêm túc. Các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, để phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ, hậu quả trượt lở đất đá, một điều chắc chắn là các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo ở các tỷ lệ sẽ phải được chuyển giao kịp thời và được sử dụng triệt để, hiệu quả hơn nữa. Những diện tích được xác định là có nguy cơ cao cần xác định thêm các vị trí tương đối an toàn, có thể tìm đến sơ tán.
Ở góc độ quản lý, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại thiên tai do bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, cần triển khai một số giải pháp căn cơ lâu dài như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống thiên tai; rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng, tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng cây gỗ lớn; rà soát tất cả các quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa việc tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.
Các tỉnh, thành trong khu vực nguy hiểm phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ.
Các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách cho các hoạt động nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai; di dời dân cư vùng nguy hiểm gắn với tạo sinh kế bền vững./.