Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) mới đây công bố báo cáo cho biết số ca nhiễm mới virus HIV tại khu vực Mỹ Latinh đã tăng 21% trong vòng một thập kỷ qua.
Cụ thể, số ca nhiễm mới HIV đã tăng từ gần 100.000 người năm 2010 lên 120.000 người vào năm 2019.
Trong cùng thời kỳ, số ca tử vong hằng năm liên quan đến HIV/AIDS giảm nhẹ, từ 41.000 ca năm 2010 xuống còn 37.000 ca vào năm ngoái.
[Dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng số ca nhiễm HIV/AIDS]
Báo cáo của PAHO cũng cảnh báo tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới virus HIV tại khu vực này có xu hướng trở nên trầm trọng hơn do những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne nhấn mạnh dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hệ thống dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khiến tình hình liên quan đến HIV/AIDS tại khu vực Mỹ Latinh trở nên tồi tệ hơn.
Báo cáo của PAHO đề cập sự sụt giảm đáng kể số lượng xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, trong nửa đầu năm 2020, tại các quốc gia như Guatemala, Guyana, Haiti, Honduras, Jamaica, Peru, CH Dominicana và Santa Lucia, số trường hợp xét nghiệm HIV/AIDS giảm trung bình 4.000 ca so với cùng kỳ năm 2019.
Trước thực tế này, Giám đốc Chương trình của Liên hợp quốc về HIV/AIDS tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe César Nuñez cảnh báo dịch COVID-19 là một thách thức đối với công tác phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm virus HIV.
Ông Nuñez cho rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV/AIDS sẽ khiến tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm hoặc tử vong liên quan đến căn bệnh thế kỷ này tăng cao.
Ông Nuñez đề nghị các nước trong khu vực tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, đồng thời thúc đẩy các hành động trong lĩnh vực phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.
Số liệu thống kê cho thấy hiện tại khu vực Mỹ Latinh có tổng cộng 2,1 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS./.