Cuộc bầu cử Thượng viện Pháp diễn ra ngày 28/9 nhằm bầu lại một nửa số thượng nghị sỹ (179 trên tổng số 348 ghế) đã kết thúc với thắng lợi của liên minh cánh hữu, đồng thời đánh dấu việc liên minh này giành lại thế đa số tại Thượng viện kể từ cuộc bầu cử năm 2008.
Kết quả cuối cùng cho thấy cánh hữu gồm Liên minh vì phong trào Nhân dân (UMP), Liên minh những người dân chủ và độc lập (UDI) và một số đảng nhỏ đã giành tổng cộng 187 ghế, trong khi đa số tuyệt đối chỉ cần 175 ghế; liên minh cánh tả giành 155 ghế, và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) lần đầu tiên đã có mặt tại Thượng viện với hai ghế.
Việc cánh hữu giành thắng lợi là kết quả đã được dự báo vì Thượng viện là do các đại cử tri bầu ra, và phần lớn trong số 87.000 đại cử tri tham gia bỏ phiếu lần này gồm ủy viên các hội đồng thành phố và thị xã, các thị trưởng, là những người thuộc các đảng cánh hữu sau khi giành thắng lợi lớn tại cuộc bầu cử địa phương vào tháng Ba vừa qua. Trên thực tế, các chính khách thiên hữu hiện nắm giữ 57 thành phố hơn 30.000 dân và 60% các xã hơn 9.000 dân.
Thêm một lần nữa đảng Xã hội (PS) cầm quyền nếm mùi thất bại trước đảng đối lập UMP trong vòng sáu tháng qua, sau các thất bại liên tiếp tại hai cuộc bầu cử là cuộc bầu cử địa phương vào tháng Ba và cuộc bầu cử châu Âu vào tháng Năm. Với hai đại diện lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng FN tuyên bố đây là "chiến thắng lịch sử" của đảng này kể từ ngày thành lập.
Kết quả này cũng dẫn đến tình trạng "chung sống" giữa Quốc hội (Hạ viện) và Thượng viện và dự báo rằng việc thông qua các văn bản lập pháp sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, do Quốc hội có cánh tả chiếm đa số và Thượng viện do cánh hữu kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng này đã từng diễn ra nhiều lần dưới nền Cộng hòa thứ 5, lần gần đây nhất là dưới thời Thủ tướng Lionel Jospin trong giai đoạn 1997-2002.
Trên thực tế, kết quả cuộc bầu cử Thượng viện không tác động nhiều tới đời sống chính trị ở Pháp do Quốc hội có tiếng nói quyết định trong trường hợp bất đồng giữa hai viện về các văn bản lập pháp vì Quốc hội có tính đại diện cao hơn.
Mặc dù vậy, kết quả này là thêm một tín hiệu tồi tệ đối với Tổng thống Pháp François Hollande khi mà uy tín chính trị của ông đang xuống rất thấp do đa số người dân bất bình với đường lối phát triển kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao cũng như chính sách cắt giảm phúc lợi và tài trợ từ chính quyền trung ương kể từ khi ông lên nắm quyền.
Ngoài ra, ông cũng đối mặt với thêm nhiều khó khăn khi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã quay lại chính trường với đích ngắm là cuộc bầu cử tổng thống năm 2017./.