Chính phủ Pháp vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ ủng hộ thấp

Với 269 phiếu thuận, 244 phiếu chống và 53 phiếu trắng, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này thấp hơn rất nhiều so với cuộc bỏ phiếu tương tự hồi tháng Tư.
Chính phủ Pháp vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ ủng hộ thấp ảnh 1Thủ tướng Pháp Manuel Valls. (Nguồn: AFP)

Tối 16/9, Chính phủ của Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội với 269 phiếu thuận, 244 phiếu chống và 53 phiếu trắng.

Tỷ lệ ủng hộ Chính phủ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này thấp hơn rất nhiều so với cuộc bỏ phiếu tương tự lần thứ nhất (306 phiếu) diễn ra tháng Tư vừa qua, khi Chính phủ của ông Valls mới được thành lập; đồng thời là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất dành cho các chính phủ ở Pháp kể từ năm 1986.

Trong cuộc bỏ phiếu, có 31 nghị sỹ đảng Xã hội đã bỏ phiếu trắng do bất đồng với đường lối kinh tế "xã hội-tự do" của Chính phủ mới. Những người này cho rằng đây là quan điểm "thực dụng của cánh hữu."

Trong bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ông Valls đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ theo đuổi mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và lành mạnh hóa nền tài chính công, đồng thời bác bỏ những lời công kích cho rằng Pháp đang thụt lùi về trình độ phát triển xã hội.

Bài phát biểu cho thấy Chính phủ mới quyết tâm thực hiện những cam kết với Ủy ban châu Âu (EC) là đưa thâm hụt ngân sách về dưới mức trần 3% GDP vào năm 2017.

Ông Valls nhắc lại những giá trị cốt lõi của cánh tả, kêu gọi chấm dứt sự chia rẽ trong nội bộ đảng Xã hội và nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm thực hiện các cải cách nhưng không theo đuổi chính sách khắc khổ. Ông nói rõ cải cách không có nghĩa là giảm mức lương tối thiểu (SMIC), là xóa bỏ các hợp đồng lao động và mô hình xã hội; đồng thời cam kết giữ lại 60.000 việc làm trong ngành giáo dục và duy trì chi tiêu công.

Quan điểm của ông đã gửi tới Hiệp hội giới chủ Pháp (MEDEF) trong bối cảnh tổ chức này vừa đề nghị xem xét lại mức lương tối thiểu và giảm các ngày nghỉ lễ nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông còn kêu gọi nền kinh tế số một châu Âu là Đức thể hiện trách nhiệm của mình trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Mặc dù Chính phủ mới chỉ nhận được đa số ủng hộ sít sao, nhưng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đã tạo thuận lợi để Tổng thống Pháp François Hollande tập trung chủ trì cuộc họp báo quan trọng vào ngày 18/9. Kết quả này cũng cho phép Chính phủ phản bác lại sự chống đối của cánh hữu và một bộ phận lớn trong công luận.

Chính phủ mới sẽ phải làm việc trong điều kiện khó khăn khi nền kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp lên đến trên 10%, nhiều thành viên chính phủ phản đối đường lối cải cách.

Chính phủ mới còn phải đối mặt với vụ bê bối về thuế liên quan Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại Thomas Thévenoud mới từ chức, chưa kể những khó khăn có thể xảy ra vào tháng 10 - thời điểm xem xét ngân sách năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.