Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 6/11, cảnh sát thủ đô Brussels đã phải dùng hơi cay và vòi phun nước để giải tán đám đông biểu tình sau khi bạo lực xảy ra do nhiều người có hành vi quá khích.
Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của 3 công đoàn lớn nhất của Bỉ nhằm phản đối chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michels, với sự tham gia của ít nhất 100.000 người.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến gần 30 người bị thương, trong đó có hơn 10 cảnh sát.
Người biểu tình mang theo gậy, đá, vỏ chai, rào chắn, đốt cháy và đập phá nhiều xe ôtô, kể cả ôtô và môtô của cảnh sát. Một số công đoàn viên tham gia biểu tình đã lên án những vụ việc do người biểu tình quá khích gây ra và cho rằng đó là những hành động phản tác dụng, đi ngược lại tiêu chí của ban tổ chức.
Phát biểu trên kênh truyền hình RTL.TV tối cùng ngày, Thủ tướng Michel đã lên án những hành động bạo lực mà người biểu tình quá khích gây ra. Ông cũng khẳng định công lý sẽ vào cuộc và bày tỏ mong muốn các bên tôn trọng lẫn nhau và giải quyết khúc mắc bằng đối thoại.
Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ liên minh gồm bốn đảng do tân Thủ tướng Bỉ Charles Michel đứng đầu đã phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ và nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng tuyên bố sẽ áp dụng một loạt biện pháp như kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 67 tuổi, cắt giảm chi tiêu khoảng 10 tỷ USD để cân đối ngân sách quốc gia vào năm 2018 và giảm nợ công.
Tuy nhiên, các biện pháp này không được tầng lớp lao động ủng hộ và đây là lý do khiến hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra. Tiếp theo cuộc biểu tình ngày 6/11 tại Brussels, ngày 1/12, biểu tình sẽ diễn ra tại Namur, Hainaut, Đông Flanders và Tây Flanders.
Cuộc biểu tình sẽ lan tới vùng thủ đô Brussels và vùng Brabant vào ngày 8/12 tới, trước khi cuộc tổng bãi công trên toàn quốc diễn ra vào ngày 15/12 tới./.