Cảnh sát Đức bắt giữ hàng trăm người biểu tình quá khích ở Berlin

Hàng nghìn người biểu tình quá khích không đeo khẩu trang đã tìm cách phá hàng rào của cảnh sát để tiếp tục cuộc tuần hành khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình. (Nguồn: AP)

Cảnh sát Đức đã bắt giữ khoảng 600 người tụ tập biểu tình trên nhiều đường phố ở thủ đô Berlin phản đối các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19, bất chấp lệnh cấm của chính quyền.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, do lo ngại các cuộc biểu tình vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19, tòa án Berlin đã ra lệnh cấm tổ chức các cuộc biểu tình của phong trào "Querdenker."

Tuy vậy, bắt đầu từ trưa 1/8, hàng nghìn người đã tụ tập thành nhiều điểm và tuần hành qua các tuyến phố. Khoảng 2.200 cảnh sát đã triển khai để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Cảnh sát cũng tạo thành hàng rào nhằm ngăn chặn các cuộc tuần hành của người biểu tình.

Nhiều người biểu tình quá khích đã tìm cách phá hàng rào của cảnh sát để tiếp tục cuộc tuần hành, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình.

[Nợ công của Đức tăng tới mức kỷ lục do tác động của COVID-19]

Theo người phát ngôn cảnh sát Berlin, người biểu tình hầu hết không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang và thậm chí tấn công lực lượng an ninh đang làm nhiệm vụ khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay và nghiệp vụ để khống chế các đối tượng quá khích.

Đến tối 1/8 đã có hơn 600 người bị bắt giữ và khoảng 10 nhân viên cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ ở Berlin.

Trước đó, lực lượng tổ chức biểu tình muốn đăng ký cho khoảng 22.500 người tham gia ở khu vực trung tâm, song dù đã bị tòa án ra lệnh cấm biểu tình, vẫn có trên 5.000 người tham gia tại nhiều địa điểm ở Berlin, chủ yếu ở khu vực trung tâm và quận Charlottenburg ở phía Tây Berlin.

Phong trào "Querdenker" ở Đức nổi lên từ năm ngoái, bao gồm chủ yếu là những người phản đối các biện pháp chống dịch.

Các cuộc biểu tình thường thu hút số lượng lớn người tham gia, song cũng thường bị giải tán sớm do đa số người biểu tình vi phạm các quy tắc phòng dịch.

Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV) - cơ quan tình báo nội địa của Đức, hồi tháng Tư vừa qua thông báo đặt một số thành viên chủ chốt của phong trào này vào danh sách theo dõi vì khả năng có liên hệ với chủ nghĩa cực đoan cánh hữu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục