Cạnh tranh “dữ dội” về hỏa lực tầm xa trong quân đội Mỹ

Lục quân Mỹ đã biến sáng kiến “hỏa lực chính xác tầm xa” (LRPR) trở thành ưu tiên hiện đại hóa hàng đầu trong bối cảnh Bộ Quốc phòng tái tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.
Cạnh tranh “dữ dội” về hỏa lực tầm xa trong quân đội Mỹ ảnh 1(Nguồn: defensenews)

Theo trang mạng nationaldefensemagazine.org, các lãnh đạo Không quân và Lục quân của Mỹ cùng với những người ủng hộ họ đang tranh luận về việc các binh chủng nào trong quân đội sẽ được đầu tư vào các năng lực tấn công tầm xa. Kết quả của cuộc tranh cãi này có ý nghĩa lớn đối với ngân sách dành cho các cơ quan quốc phòng và vai trò tác chiến.

Sau gần 2 thập kỷ hoạt động chống nổi dậy, Lục quân Mỹ đã biến sáng kiến “hỏa lực chính xác tầm xa” (LRPR) trở thành ưu tiên hiện đại hóa hàng đầu trong bối cảnh Bộ Quốc phòng tái tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, các sáng kiến quan trọng đang được thực thi hoặc đang được xem xét gồm Pháo binh tăng tầm (ERCA); Tên lửa tấn công chính xác (PSM); Pháo tầm xa chiến lược (SLRC); Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW); và nâng cấp, cải tiến các tên lửa SM-6 và UGM-109 hiện hành của Hải quân để phóng từ mặt đất.

Lục quân có kế hoạch chi hàng tỷ USD để theo đuổi các loại hệ thống này. Tuy nhiên, một số quan chức ở các binh chủng khác trong quân đội không cho rằng đó là những khoản đầu tư thông minh khi quân đội Mỹ tăng cường cho một cuộc chiến tiềm tàng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc và ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ tương đối ổn định hoặc giảm trong những năm tới.

Trong một đoạn phát biểu gần đây gửi Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, Tướng Timothy Ray, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ, khẳng định: “Đó là một ý tưởng tồi khi đầu tư từng đấy tiền và tái tạo thứ mà Không quân đã làm chủ.” Ông Ray cũng ca ngợi năng lực của các máy bay ném bom tầm xa của Không quân Mỹ.

[Australia hợp tác với Mỹ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh]

Còn Trung tướng Không quân đã nghỉ hưu David Deptula, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, cho rằng Lục quân đang “cố giành lấy các nhiệm vụ mà họ cho rằng sẽ giúp họ trở nên thích ứng hơn trong chiến lược an ninh quốc gia mới của chúng ta, và năng lực tấn công tầm xa đứng đầu danh sách đó.”

Khi được hỏi về những chỉ trích của Tướng Ray, Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng James McConville cho rằng chủ nghĩa địa phương hẹp hòi đang quay lại. Ông nói: “Quan điểm về chiến tranh trong tương lai có thể khác với tầm nhìn của bạn.”

Theo ông McConville, các hỏa lực tầm xa trên mặt đất của Lục quân sẽ cung cấp cho các chỉ huy tác chiến nhiều lựa chọn nhân lực bổ sung và gây ra “nhiều khó khăn” cho đối phương.

Trong một xã luận đăng trên Breaking Defense, Tướng Robert Brown đã nghỉ hưu, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương và hiện là Phó Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Lục quân Mỹ, mô tả những bình luận của Tướng Ray là “một cái tát gây choáng váng cho một binh chủng thuộc quân đội Mỹ… vào một thời điểm quan trọng trong quy trình thông qua ngân sách quốc phòng.”

Theo Tướng Brown, nhiều cuộc tập trận và chiến tranh mô phỏng đã chứng minh “những năng lực ấn tượng” mà hỏa lực chính xác tầm xa trên mặt đất mang lại cho tư lệnh lực lượng liên quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Tướng Ray và các nhà quan sát khác đã tỏ ý hoài nghi về việc liệu có quốc gia nào ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ cho phép Lục quân Mỹ lắp đặt các hệ thống tầm xa trên lãnh thổ của họ hay không. Stacie Pettyjohn, Giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nói: “Nếu xây dựng các năng lực mới và có khả năng phải tạo ra cơ cấu lực lượng mới… sẽ có những chi phí liên quan đến việc đó.”

Vậy tại sao các đồng minh và đối tác của Mỹ không ‘xếp hàng’ để có các hệ thống tầm xa trên lãnh thổ của họ? Bà Pettyjohn giải thích: “Các quốc gia muốn lắp đặt hệ thống hẳn lo ngại rằng họ có thể trở thành mục tiêu trong một cuộc xung đột, hoặc điều đó có thể khiến Trung Quốc khó chịu.”

Trong khi các quốc gia như Nhật Bản là nơi có các cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ bao gồm căn cứ không quân và lực lượng hải quân đồn trú, thì tên lửa tầm xa khác biệt ở chỗ chúng là “hệ thống tấn công thuần túy”, qua đó có thể làm dấy lên những lo ngại về các cuộc tấn công phủ đầu và dẫn đến khủng hoảng.

Cũng theo bà Pettyjohn, các hệ thống này có thể được đặt trên đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng là nơi bố trí các máy bay ném bom của Lực lượng Không quân. Tuy nhiên, hầu hết các hỏa lực tầm xa mà Lục quân muốn trang bị dường như vẫn không đủ tầm bắn để đánh trúng các mục tiêu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh tầm xa sẽ là một ngoại lệ. Tuy nhiên, các nền tảng vũ khí này sẽ rất tốn kém, và Không quân lẫn Hải quân cũng đều đang theo đuổi các hệ thống siêu thanh phóng từ trên không và trên biển của riêng họ và họ có kế hoạch triển khai trong vài năm tới.

Mackenzie Eaglen, chuyên gia về ngân sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AIE), cho biết khả năng tài chính là vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh luận về hỏa lực tầm xa.

Viện Mitchell gần đây đã phát hành một tài liệu hướng dẫn mới với tiêu đề “Tìm hiểu cuộc tranh luận về tấn công tầm xa,” trong đó so sánh tầm bắn, chi phí, khả năng phù hợp với mục tiêu và các thuộc tính khác của tên lửa tầm xa mà Lục quân dự định mua so với những loại đạn dược dẫn đường chính xác do máy bay quân sự của Mỹ chuyển tới.

Theo nghiên cứu, các tên lửa này sẽ tiêu tốn hàng triệu USD mỗi lần bắn, trong khi máy bay ném bom có thể được tái sử dụng hoặc có thể sử dụng các loại vũ khí có chi phí thấp hơn với số lượng lớn. Báo cáo trên cho rằng Lầu Năm Góc “nên tìm kiếm các giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí thay vì cho phép các sáng kiến quá lãng phí.”

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Lục quân có ý tưởng đúng trong việc theo đuổi hỏa lực tầm xa. Eric Sayers, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu AEI chuyên về chính sách an ninh châu Á-Thái Bình Dương và công nghệ quốc phòng, nhận định: “Tấn công phân tán trên nhiều mặt trận là một chiến lược đối phó với những lợi thế địa lý và hoạt động quân sự của Trung Quốc. Tôi ủng hộ chiến lược này, trong đó các binh chủng phối hợp chồng chéo khiến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gặp khó khăn khi không biết cần ưu tiên nhắm vào mục tiêu trên không, trên bộ, trên biển hay ngầm dưới đất.”

Sayers cũng lưu ý rằng tên lửa chống hạm phóng từ đất liền có thể đóng vai trò quan trọng trên chiến trường biển lớn như châu Á-Thái Bình Dương.

Cũng theo ông Sayers, việc thuyết phục các đồng minh lắp đặt các hệ thống của Mỹ không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Ông nói: “Chắc chắn các cuộc đàm phán liên minh về việc luân chuyển các hệ thống này sang một địa điểm như Nhật Bản trong tương lai sẽ rất khó khăn, nhưng thực tế là Trung Quốc đã thay đổi cán cân quân sự nhanh chóng đến mức… nếu Mỹ muốn duy trì các cam kết an ninh với các đồng minh của mình, thì sẽ cần có các cuộc đàm phán về vai trò của các hỏa lực tầm xa trên đất liền.”

Ông Sayers tiên liệu rằng trong 3-5 năm tới, quân đội Mỹ có thể sẽ có cơ sở hạ tầng cần thiết tại các địa điểm quan trọng ở Nhật Bản.

Đáng chú ý, các tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ phần lớn đã kiềm chế không chỉ trích Lục quân theo đuổi các hỏa lực tầm xa. Bà Pettyjohn giải thích: “Hải quân thường là binh chủng đầu tiên chỉ ra những phụ thuộc cơ bản mà các lực lượng khác có và hệ thống của họ được giải phóng khỏi những ràng buộc khi tiếp cận lãnh thổ nước ngoài.”

Đô đốc Phil Davidson, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacom) của Mỹ, đã ủng hộ các hỏa lực tầm xa trên đất liền và kêu gọi Quốc hội thông qua khoản ngân sách 3,3 tỷ USD cho các hệ thống như vậy trong các tài khóa từ 2022-2027 như một phần của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Tháng 3 vừa qua, trước khi nghỉ hưu, Đô đốc Davidson đã tuyên bố trước Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng “Indo-Pacom cần hỏa lực tấn công chính xác, có tầm bắn xa hơn 500 km để đảm bảo quyền tự do hành động của các lực lượng Mỹ.”

Theo Pettyjohn, phát ngôn của Hải quân Mỹ có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình ngân sách. Tuy nhiên, “việc ủng hộ Lục quân” trong cuộc tranh luận về hỏa lực tầm xa có thể là một vấn đề vì Lực lượng Thủy quân Lục chiến - một bộ phận của Bộ Hải quân - cũng muốn được trang bị các tên lửa trên đất liền bao gồm cả vũ khí siêu thanh có thể được triển khai trên các phương tiện.

Theo kế hoạch ngân sách năm 2022 được công bố hồi tháng 4 vừa qua, các hỏa lực tầm xa sẽ là ưu tiên của chính quyền Biden. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem kinh phí sẽ được phân bổ như thế nào trong những năm tới cho các loại hệ thống này và vai trò cũng như sứ mệnh của chúng phát triển ra sao.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten cho rằng còn quá sớm để tiến hành đánh giá vào lúc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.