Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 14/5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 4.467.752 ca nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 299.553 ca tử vong.
Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.678.563 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.434.421 ca nhiễm và 85.388 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 272.646 ca nhiễm và 27.321 ca tử vong, Nga với 252.245 ca nhiễm và 2.305 ca tử vong, Anh với 233.151 ca nhiễm và 33.614 ca tử vong và Italy với 222.104 ca nhiễm và 31.106 ca tử vong.
Tại Mỹ, trong bối cảnh nhiều bang đang dần nới lỏng các quy định giãn cách xã hội nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế, Thị trưởng Washington, bà Muriel Bowser đã thông báo kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô đến hết ngày 8/6 khi số ca nhiễm mới tại đây vẫn tiếp tục tăng.
Theo Văn phòng khu vực châu Âu của WHO, tính đến ngày 14/5, châu lục này đã ghi nhận hơn 1,78 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 160.000 ca tử vong - chiếm 43% các trường hợp mắc bệnh và 56% số ca tử vong trên toàn cầu.
Ngày 14/5, số các trường hợp tử vong theo ngày do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần qua.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Tây Ban Nha, số ca tử vong trong ngày 14/5 của nước này là 217 người, trong khi con số ghi nhận một ngày trước đó là 184 người. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8/5, số các trường hợp tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha lại vượt mức 200 ca.
[Cộng đồng thế giới sẽ sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19]
Người phụ trách tình trạng khẩn cấp về y tế ở Tây Ban Nha - ông Fernando Simon cho biết nguyên nhân của tình trạng gia tăng trên hiện chưa rõ ràng. Hơn 50% số các ca tử vong mới ghi nhận tại vùng Catalonia.
Ông Simon cho biết: "Chúng tôi hiện đang làm việc với chính quyền khu vực để xác định thời điểm tử vong của các trường hợp trên, đồng thời xác minh xem đây đúng là những trường hợp tử vong mới hay đã có sự chậm trễ trong công tác cập nhật số liệu."
Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 trên khắp Tây Ban Nha đã tăng lên 27.321 người.
Nga: Moskva sẽ xét nghiệm miễn phí kháng thể virus SARS-CoV-2
Thị trưởng thủ đô Moskva Sergei Sobyanin ngày 14/5 cho biết các máy phân tích máu tự động đã được lắp đặt tại Moskva để phát hiện kháng thể với virus corona chủng mới SARS-CoV-2 và sẽ bắt đầu thử nghiệm miễn phí hàng loạt vào ngày 15/5.
Hãng tin RIA Novosti dẫn thông báo từ trang web chính thức của thị trưởng Moskva cho biết, để tiến hành xét nghiệm, chính quyền Moskva đã lắp đặt máy phân tích máu tự động để phát hiện kháng thể bằng phương pháp ELISA (xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme).
Đến cuối tháng 5, tổng công suất của hệ thống xét nghiệm ELISA của thành phố sẽ vượt mức 200.000 xét nghiệm mỗi ngày. Điều này sẽ cho phép thành phố Moskva bắt đầu thực hiện chương trình sàng lọc trên quy mô hàng loạt và miễn phí.
Ba Lan tiếp tục đóng cửa trường học tới ngày 26/6
Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Ba Lan PAP ngày 14/5 cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng cửa các trường học cho đến khi kết thúc năm học này - theo kế hoạch là vào ngày 26/6 tới.
Bộ Giáo dục Ba Lan cho biết quyết định trên là một phần trong các nỗ lực của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong những tuần gần đây, Ba Lan - nền kinh tế lớn nhất trong số các quốc gia thuộc phía Đông của Liên minh châu Âu (EU) - đã tìm cách nới lỏng một số hạn chế xã hội được đưa ra trong thời kỳ khủng hoảng bởi dịch COVID-19.
Theo quyết định nới lỏng trên, nhà hàng ăn và tiệm làm tóc sẽ được mở cửa trở lại trong ngày 18/5.
Slovakia cho phép người nhập cảnh tự cách ly tại nhà
Chính phủ Slovakia ngày 14/5 đã phê chuẩn đạo luật sẽ cho phép mọi người từ nước ngoài trở về có thể tự cách ly tại nhà thay vì tham gia cách ly bắt buộc tại các cơ sở của nhà nước, với điều kiện những người này phải sử dụng một ứng dụng di động cho phép theo dõi nhất cử nhất động của họ.
Quy định cách ly bắt buộc được Chính phủ Slovakia đưa ra nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, điều này đã bị những người Slovakia sống ở nước ngoài cũng như thanh tra nhà nước phản đối, vì cho rằng quy định đã vi phạm quyền riêng tư của người dân.
Bộ trưởng Y tế Slovakia Marek Krajci cho biết ứng dụng di động cho phép theo dõi cách ly tại nhà có thể sẽ ra mắt vào ngày 18/5 tới, sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
Theo Bộ trưởng Marek Krajci, một trong những phương thức hoạt động của ứng dụng này là sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Thủ tướng Igor Matovic cũng luôn khẳng định tầm quan trọng của biện pháp cách ly trong việc giúp phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 cũng như ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy những người đang làm việc hoặc đã từng làm việc tại các cơ quan nhà nước chiếm gần 13% trong tổng số 1.477 trường hợp mắc bệnh tại nước này.
Ngoài ra, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có 5,5 triệu dân này cũng đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do COVID-19. Cũng giống như các nước châu Âu khác, Slovakia đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Các lệnh hạn chế để phòng dịch đã ảnh hưởng đến hầu hết người Slovakia từ nước ngoài trở về nhà, do người từ nước ngoài bị cấm nhập cảnh nước này.
Ngoài ứng dụng hỗ trợ tự cách ly tại nhà nêu trên, Chính phủ Slovakia cũng đã phê duyệt một ứng dụng điện thoại theo dõi tiếp xúc của những người bị mắc bệnh, tuy nhiên không rõ khi nào ứng dụng đó sẽ được công bố.
Malaysia nới lỏng lệnh cấm tụ tập tôn giáo
Ngày 14/5, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ nới lỏng lệnh cấm các cuộc tụ tập tôn giáo tại các đền thờ bắt đầu từ ngày 15/5, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thông tin trên được đưa ra sau khi nhiều cơ sở kinh doanh ở Malaysia đã được phép mở cửa trở lại hồi tuần trước và trước thềm lễ hội Eid, kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và rơi vào ngày 24/5 năm nay.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Malaysia Zulkifli Mohamad Al-Bakri cho biết thủ đô Kuala Lumpur nằm trong số các vùng lãnh thổ liên bang của Malaysia cho phép tổ chức các lễ cầu nguyện từ 30 người trở xuống.
Tuy nhiên, việc nới lỏng lệnh cấm trên không bao gồm 12 bang còn lại của Malaysia vốn có luật pháp riêng đối với các vấn đề tôn giáo và các địa phương này có quyền áp dụng các biện pháp tương tự nếu muốn.
Các buổi cầu nguyện tập trung đông người đã bị cấm từ giữa tháng Ba vừa qua sau khi Malaysia ghi nhận hơn 2.300 người mắc COVID-19, trong đó một buổi lễ tôn giáo với khoảng 16.000 tín đồ tham dự tại một nhà thờ Hồi giáo đã trở thành "ổ phát tán" virus SARS-CoV-2.
Mặc dù số ca mắc mới hàng ngày đã giảm, song các trường học và đại học tại Malaysia vẫn tiếp tục đóng cửa tới ngày 9/6 tới.
Giới chức y tế nước này đã xác định được 6 ổ nhiễm có liên quan tới các trường học Hồi giáo, với 635 học sinh và nhân viên trường có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong ngày 14/5, Malaysia đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 và một ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên 6.819 người, trong đó có 112 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này đã ghi nhận 568 ca nhiễm mới trong cùng ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 16.006 người.
Ngoài ra, Indonesia cũng ghi nhận thêm 15 ca tử vong liên quan tới COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.043 người. Trong khi đó, 3.518 trường hợp đã hồi phục, và hơn 127.800 người đã được xét nghiệm.
Nhật Bản tiếp tục mở rộng danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ bị cấm nhập cảnh
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng ngày thông báo sẽ đưa thêm 13 nước khác vào diện tạm cấm nhập cảnh công dân nước ngoài trong nỗ lực khống chế đà lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 16/5 tới.
Thông báo trên được Thủ tướng Abe đưa ra tại cuộc họp của lực lượng ứng phó virus corona chủng mới.
Theo lệnh này, cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ không cho phép nhập cảnh đối với các công dân thuộc 13 nước trong vòng 2 tuần.
Những nước này gồm Mexico, Azerbaijan, Bahamas, Cabo Verde, Colombia, Guinea, Gabon, Guinea-Bissau, Honduras, Kazakhstan, Maldives, Sao Tome và Principe, và Uruguay.
Trước đó, ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nâng khuyến cáo đi lại đối với 13 nước trên lên mức 3 - mức cao thứ hai trong thang cảnh báo theo đó kêu gọi các công dân Nhật Bản tránh tới những khu vực này.
Như vậy, để ngăn dịch COVID-19 lây lan, Nhật Bản đến nay đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân đến từ tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ các nước châu Âu.
Trong khi đó, để giúp các trường học chuẩn bị tốt khi đón học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ dài do dịch COVID-19, Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ nâng cao chất lượng vệ sinh tại các trường học.
Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan ngày 14/5 đã thông báo về khoản hỗ trợ 10 triệu AUD (6,42 triệu USD) dành cho các trường tư, vốn chuẩn bị đón ít nhất một nửa số học sinh quay trở lại vào ngày 1/6 tới.
Ông cho biết các trường học này có thể sử dụng số tiền tài trợ để mua xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn và tiến hành công tác vệ sinh khác.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 20 giờ 45 tối cùng ngày, Australia đã ghi nhận tổng cộng 6.989 ca mắc COVID-19 và 98 ca tử vong./.