Câu chuyện cảm động của vợ chồng nhà báo-chiến sỹ TTXVN

Vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái và Nghiêm Thị Tú của TTXVN là những phóng viên chiến trường - "nhà báo chiến sỹ" đưa tin về giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đấu ở miền Nam.
Câu chuyện cảm động của vợ chồng nhà báo-chiến sỹ TTXVN ảnh 1Vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái-Nghiêm Thị Tú. (Nguồn: TTXVN)

"Vợ chồng tôi không muốn nói về mình đâu. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có nhiều người hy sinh, cống hiến lớn lao hơn nhiều," nhà báo Võ Thế Ái chia sẻ.

Đồng nghiệp cùng thời với vợ chồng ông, bật mí: Võ Thế Ái là nhà báo đầu tiên của TTXVN (và có lẽ của cả các cơ quan báo chí Trung ương) đi B trong kháng chiến chống Mỹ, là nhà báo duy nhất có mặt trong cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, và một trong ít những nhà báo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập.

Vợ ông - nhà báo Nghiêm Thị Tú cũng vào chiến trường miền Nam đúng vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến. Vợ chồng ông thật giản dị trong cuộc sống, tận tụy trong công việc. Họ là vợ chồng nhà báo-chiến sỹ của Thông tấn xã Việt Nam.

Mối tình chung thuỷ và những lá thư chân tình

Võ Thế Ái đến với nghề báo tự nhiên như thể nghề báo đã chọn sẵn ông vậy. Bố ông, cụ Võ Thường Bích, vốn là một người viết báo và phát hành báo chí.

Võ Thế Ái tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi với vai trò là chiến sỹ liên lạc cho bộ đội Khu V. Năm 1950, ông lên đường ra chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị đi học nước ngoài.

Nhưng chiến thắng Biên Giới năm đó đã giữ chân ông lại vì tình thế cách mạng thay đổi, quân ta đang rất cần lực lượng để chuẩn bị chuyển sang phản công. Ông được điều về Nha Thông tin, rồi chuyển sang Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Năm 1957, chàng trai quê Đà Nẵng Võ Thế Ái ngẫu nhiên gặp cô gái Hà Nội Nghiêm Thị Tú, là em ruột bà Nghiêm Thúy Băng (vợ cố nhạc sỹ Văn Cao) ở khu tập thể Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

Cũng vào năm đó, Võ Thế Ái đã không bao giờ quên được hình ảnh cô gái Hà Nội đạp xe giữa đêm mưa rét buốt ra bến xe tiễn ông vào công tác ở phân xã Thông tấn xã (TTX) khu IV: "Buổi sáng đầu xuân mưa lấm tấm ở bến ôtô, với em bên cạnh, đối với anh sẽ là một trong những buổi sáng đáng ghi nhớ nhất trong đời" (trích bản thảo Thư tình một thuở của nhà báo Võ Thế Ái).

Năm 1958, họ nguyện gắn bó với nhau suốt đời. Đám cưới của họ giản dị, đầm ấm và hạnh phúc.

[Nguyên TGĐ TTXVN Trần Mai Hưởng: Chúng tôi là phóng viên TTXGP]

Khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khoá II) được ban hành, đặt ra vấn đề khởi nghĩa vũ trang, ông biết cơ hội trở lại quê hương, dùng ngòi bút và cả cây súng để đấu tranh đã đến. Nhận quyết định vào Nam phụ trách Phân xã VNTTX khu V, nhà báo Võ Thế Ái suy nghĩ: một mặt được trở về chiến đấu ở quê hương, được thực hiện nghiệp vụ đưa tin trên một địa bàn chưa có ai khai thác (Nam Trung Bộ); một mặt không khỏi lo lắng về vợ con.

Với câu trả lời "vâng" trong cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Hoàng Tuấn và Lê Bá Thuyên trong Ban Giám đốc VNTTX là một trong những giây phút quyết liệt trong đời ông.

Rời cơ quan ở số 5, Lý Thường Kiệt, Hà Nội, ngồi ở vườn hoa Tao Đàn hưởng đôi chút yên tĩnh của buổi chiều đầu thu, rồi ông lững thững dọc theo phố Hàng Chuối, nhà báo Võ Thế Ái thấy dội lên tình yêu da diết với Hà Nội, mà giờ đây sắp đi xa, ông mới cảm nhận có bao lưu luyến.

Nghĩ về người vợ trẻ và đứa con mới sinh, lòng ông tràn ngập niềm xốn xang. Chia tay vợ con trên căn gác nhỏ ở tầng 3 phố Hàng Chuối, bỗng có cái gì đó mà từ đâu chẳng biết dâng lên nghẹn ứ cả ngực, siết lấy tim ông: “Liệu mình có gặp lại vợ con nữa hay không?”

Khi trở lên gác ngắm con một lần nữa, ông vờ bình thản: "Anh quên lấy một ngòi mực." Tránh ôm vợ để khỏi gieo sự nghi ngờ, ông ôm hôn thật lâu đứa con trai mới được 8 tháng tuổi, và vội vã quay đi (lúc này bà Tú chưa biết ông đi chiến trường B).

Kỷ niệm mà ông mang theo ra chiến trường là chiếc áo sơ sinh của con trai. Năm 1959, Võ Thế Ái trở thành nhà báo đầu tiên của VNTTX vào chiến trường miền Nam (đi B), trước ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. 

Lá thư đầu tiên ông viết cho vợ trên đường Trường Sơn vào một ngày giáp Tết giữa rừng năm 1960: "Mấy hôm nay trời mưa gió, đêm lạnh lắm, nhưng nghĩ đến nỗi khổ của anh thì ít mà nghĩ đến em và con thì nhiều. Anh băn khoăn không biết đợt rét này, Huy có bị sốt không và em có lạnh lắm không?"

Ông dặn vợ: "Từ nay viết thư cho anh thì em làm hai phong bì. Phong bì trong đề "Nguyễn Huy Bác sỹ". Phong bì ngoài đề "Ban Kinh tế Vĩnh Linh."

Nhận được thư chồng, vừa đọc thư vừa ngắm con trai, bà Tú khóc ròng. Bà hiểu việc ông đi hoàn toàn bí mật, cơ quan không mấy ai được biết. Bà Tú đã nuốt nước mắt vào trong, giữ bí mật cho chồng và cho sự nghiệp chung.

Ngay cả người anh rể của bà, nhạc sỹ Văn Cao mãi sau này vẫn cứ tưởng ông được cử sang Trung Quốc học, nên trong một bức thư nhờ bà gửi cho ông, nhạc sĩ Văn Cao đã hỏi ông: "Ăn quen cái thứ dầu vừng của Trung Quốc chưa?"

Suốt hơn 10 năm ở chiến trường, dưới các bản tin, bài báo gửi ra Hà Nội ông đều mang bút danh Nguyễn Huy, tên đứa con trai yêu quý của vợ chồng ông. Năm 1961, ông nhận được tấm ảnh vợ và con, vui vì con khoẻ, nhưng chạnh lòng vì "nhìn tay áo của em, thấy tay áo rộng thùng thình. Quả thực em gầy đi."

Một điều kỳ diệu đến với ông giữa rừng Trường Sơn chống Mỹ: vào buổi sáng mùa thu năm 1963, khi mở máy thu thanh đón ghi tin đọc chậm từ Hà Nội, ông nghe một giọng đọc hết sức thân quen.

Niềm xúc động dâng trào khi đến mục giới thiệu tên ở cuối buổi phát thanh, người đọc tin là Nghiêm Thị Tú - vợ ông. Về sau, ông mới biết, VNTTX đã cử một nhóm biên tập viên, sáng sáng qua Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chậm tin tức hướng vào miền Nam, trong nhóm đó có người vợ yêu - "Huy Tú."

Nhà báo Võ Thế Ái tâm sự: "Có hôm nghe giọng vợ khàn khàn, mình đoán là cô ấy bị viêm họng vì gió mùa Đông Bắc. Khàn khàn mà vẫn nghe hay! Cảnh đó, khiến mình nhớ đến tiểu thuyết "Ngôi sao" của nhà văn Xôviết Kadakêvích.

Nhân vật "Ngôi sao" - một chiến sỹ tình báo Xôviết vùng địch hậu, đã vô cùng sung sướng khi nghe được tiếng gõ maníp quen thuộc của người yêu qua máy thu tín. Anh ta chỉ được nghe tiếng gõ maníp thôi nhé, thua hẳn mình được nghe rõ giọng nói của vợ mình!"

5 năm sau, ông nhận được tin vợ cũng xin vào chiến trường. Trong một bức thư gửi cho vợ (tháng 5-1965), ông viết: "Một số anh vừa vào đây cho anh biết em đang xin đi B... Các anh hỏi ý kiến anh như thế nào, anh trả lời: "Quyền của cô ấy chứ, tôi làm sao có ý kiến..."

Anh cũng rất lo ngại, nhưng biết là khó ngăn cản em thực hiện ý nguyện. Anh chỉ mong em trước khi đi, em gửi gắm Huy thật chu đáo."

Và thế là chỉ mấy tháng sau, bà Nghiêm Thị Tú đã vượt Trường Sơn vào sát cánh bên ông và đồng nghiệp trong TTXGP.

Bà Nghiêm Thị Tú là nữ nhà báo đầu tiên có mặt ở Quảng Nam sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tiến hành cuộc "chiến tranh cục bộ." Vào Nam chiến đấu, với bà vừa là thực hiện lý tưởng thiêng liêng của thanh niên cả nước lúc bấy giờ “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình,” vừa để thực hiện một tâm nguyện rất lãng mạn của bà: sống cùng sống, chết cùng chết với người mà bà yêu thương.

Công việc của bà là viết báo, biên tập, soạn bản tin. Bà công tác trong chiến trường được 4 năm thì được lệnh trở ra, làm việc ở Ban Biên tập Tin Ảnh miền Nam (VNTTX). Dẫu quãng thời gian cùng công tác và chiến đấu bên nhau tại chiến trường không dài, nhưng đã đong đầy bao nhiêu là kỷ niệm.

Gian khổ không sờn lòng

Công tác ở chiến trường miền Nam cực kỳ gian khổ, điều kiện làm việc thiếu thốn. Vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái “thống kê” ba khó khăn cơ bản: Thứ nhất, là không được hoàn toàn làm công tác chuyên môn, vừa công tác vừa tham gia sản xuất, cõng lúa gạo. Suốt những năm tháng ở chiến trường không có một ngày chủ nhật.

Câu chuyện cảm động của vợ chồng nhà báo-chiến sỹ TTXVN ảnh 2Nhà báo Võ Thế Ái ở chiến khu. (Nguồn: TTXVN)

Thứ hai, việc đưa tin phần nhiều phải dựa vào nguồn tin quân khu, thông tin viên các tỉnh. Thứ ba là đi công tác rất nguy hiểm vì bom đạn, máy bay, biệt kích địch... Trong thời gian công tác, nhiều lần vợ chồng ông cùng "vào sinh ra tử", đối mặt với "thần chết."

Kỷ niệm sâu sắc nhất là, một lần tình cờ cả hai vợ chồng cùng đi gùi gạo. Khi qua một trảng đất trống chỉ có cỏ và cây mọc lúp xúp, cả đoàn gặp máy bay Mỹ đang rà thấp, tìm mục tiêu bắn giết. Trước tình huống hiểm nguy, bà Tú thét lên như một “vị tướng” chỉ huy ông: "Mỗi người tản ra một hướng khác nhau. Hai ta phải sống sót một người để về nuôi dạy con."

Bom đạn máy bay Mỹ bắn xuống ác liệt, nhưng may mắn vợ chồng ông đều thoát nạn. Bây giờ nhớ lại chuyện ấy, bà kể: “Lúc vào chiến trường thì nghĩ: sống cùng sống, chết cùng chết. Nhưng khi thấy máy bay địch lượn trên đầu, rõ tới cả thằng giặc lái, biết khó mà thoát chết thì chỉ nghĩ tới con.”

Năm 1969, trên đường đi công tác, nhà báo Võ Thế Ái thoát chết do được đồng đội cảnh báo: “cẩn thận có mìn,” "thế là mình cứ phải đứng co một chân, rồi nhè nhẹ tìm chỗ đặt chân kia xuống. Thật hú vía!"

Vợ chồng nhà báo Ái-Tú là những phóng viên chiến trường - "nhà báo chiến sỹ," đưa tin về giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Đế quốc Mỹ đã đưa quân trực tiếp tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc hòng cứu vãn tình thế.

Tháng 3/1965, những tiểu đoàn quân Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, Chu Lai đã bị các lực lượng dân quân, du kích của ta tấn công và tiêu diệt.

Họ-nhà báo chiến sỹ Ái-Tú là một trong nhiều nhân chứng ghi lại những sự kiện lịch sử, các điển hình tiên tiến, các trận đánh Mỹ anh dũng của quân đội.

Nhà báo Võ Thế Ái nhớ lại: "Chúng tôi viết trong khi đang hành quân, khi nấp máy bay trinh sát, máy bay phản lực Mỹ. Chúng tôi biết rằng nếu bị phát hiện, sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng phẩm chất của một nhà báo, một "thanh niên thời đại Hồ Chí Minh" giúp chúng tôi có đủ nghị lực và niềm tin để chiến đấu và viết. Bạn sẽ không bao giờ được nghĩ hai lần về cái chết và sự sống khi ở vào giai đoạn đó. Suy nghĩ đầu tiên thường xuất hiện trong tâm trí, chính là sự tuyệt vời khi chúng ta đã ở đó vì đất nước, mặc dù cũng đang thực hiện thêm một nhiệm vụ nữa là đưa tin."

Là nhà báo duy nhất có mặt trong cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi-1960), Võ Thế Ái có được những bài viết, bức ảnh chụp về cuộc khởi nghĩa và lễ tuyên thệ dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam của một đơn vị quân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi truớc khi lên đường ra trận.

Đây là những tài liệu lịch sử quý giá hiện còn được lưu lại của ông. Năm 1999, Tạp chí Văn nghệ Quảng Ngãi số 8-9 đăng bài viết của ông "Nhớ về Trà Bồng khởi nghĩa" và bốn bức ảnh của ông chụp về cuộc khởi nghĩa này. Nhà báo Võ Thế Ái còn có những bài tường thuật kịp thời về trận đánh Núi Thành (trận đầu thắng Mỹ của quân đội ta).

Trong sách "Nơi ấy tôi đã sống" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2003), ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng viết: "Chúng tôi trò chuyện sôi nổi về trận đánh, về cái sự kỳ lạ là Trung ương Cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết vì có một đồng chí phóng viên VNTTX (Võ Thế Ái) đi theo trận đánh đã viết bài tường thuật về trận đánh Núi Thành và điện về Trung ương Cục. Anh em kể lại, lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang ngồi trên võng cá nhân trong rừng cao su Lộc Ninh, khi đọc xong bài tường thuật vừa nhận được đã lập tức điện ra khen Quân khu V. Trong lúc đó, báo cáo của chúng tôi (quân đội) gửi về Quân khu bằng đài 15w thì chưa xong."

Đến năm 1971, nhà báo Võ Thế Ái ra Hà Nội, được bổ sung vào Ban Biên tập Tin Ảnh miền Nam của VNTTX, sau đó giữ cương vị Phó Trưởng ban Biên tập Tin Trong nước, rồi Quyền Trưởng ban Biên tập Tin Trong nước (TTXVN).

Dù ở vị trí nào, ông cũng chuyên tâm vào công việc, biên tập, xử lý tin bài, giúp đỡ các phóng viên trẻ nâng cao tay nghề. Thời gian ấy, Ban Biên tập Tin Ảnh miền Nam hoạt động hiệu quả, tin bài đạt chất lượng cao, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Và cuộc sống giản dị

Vợ chồng nhà báo Ái-Tú luôn luôn sống lạc quan. Bạn bè ở cơ quan, đồng nghiệp trong làng báo ai cũng quý trọng vợ chồng ông. Không mấy ai biết rằng, Võ Thế Ái là một trong số ít những nhà báo được Chủ tịch nước Trường Chinh ký tặng Huân chương Độc lập.

Chiến dịch quân sự Xuân Hè 1951, ông cùng nhóm phóng viên VNTTX chia nhau từng củ sắn lùi, trước gian khổ nói chuyện tiếu lâm cười vang, rồi phân chia nhau đi các "mũi" viết bài vở, dùng chung điện đài...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là nhà báo hoạt động trên cung đường vận tải hoả tuyến. Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, ông tự hào là một nhà báo đã đi sát chiến dịch từ đầu đến giờ phút chiến thắng.

Tháng 8/1954, ông đã có mặt ở Hà Nội trước khi quân ta tiếp quản Thủ đô. Những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các vùng nông thôn phát động phong trào sản xuất, trong đó có thăm đập Thác Huống. Nhà báo Võ Thế Ái vinh dự được lãnh đạo VNTTX cử đi theo Bác đưa tin…

Trong sự nghiệp làm báo-vợ ông-nhà báo Nghiêm Thị Tú cũng được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Năm 1969, nỗi đau của mỗi người dân Việt Nam khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Ông viết thư cho vợ: "Trong đời người, có nhiều nỗi đau cũng như niềm vui. Nếu có ai hỏi đối với anh nỗi đau khổ nào là tột đỉnh, anh sẽ không ngần ngại trả lời: "Đó là lúc Bác Hồ mất."

Còn quan niệm của anh về "hạnh phúc tột đỉnh thì hẳn em đã đoán biết: Đó là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh sẽ gặp lại em và con, gặp lại những người ruột thịt ở Đà Nẵng, gia đình ta và toàn dân Việt Nam từng chịu nhiều đau khổ sẽ có một cuộc đại đoàn viên."

Năm 2012, khi đang sống một cuộc sống bình dị trong một căn hộ tầng hai ở khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam-Mai Hương, vợ chồng ông đã quyết định cùng nhau vào Trung tâm bảo trợ xã hội 3 (Hà Nội).

Nhưng vào Trung tâm ở được gần một năm thì vợ ông - bà Nghiêm Thị Tú cũng bỏ ông ra đi. Đó là những mất mát quá lớn với ông. Nhà báo Võ Thế Ái đã nhiều lần bị cơn đau tim hành hạ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng tinh thần và ánh mắt của ông vẫn ánh lên lòng nhiệt tình, say nghề của một nhà báo chân chính. 

Với vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái, kỷ niệm quý nhất của những năm tháng chiến tranh và gắn kết tình cảm vợ chồng, con cái là: "Chiếc áo lụa hồng bé xíu của đứa con trai mang đi lại mang về sau 12 năm ở chiến trường, chiếc mũ tai bèo của “bà xã” Nghiêm Thị Tú, và cả tập thư còn giữ lại trong hộp sơn mài."

Nhà báo Võ Thế Ái tâm sự: “Khi so sánh với những hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí mà chúng tôi từng được chứng kiến hoặc được đọc trong các hồi ký chiến tranh, khi nhớ tới gần 260 đồng nghiệp TTXVN nằm lại trên các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, chúng tôi thấy mình thuộc loại may mắn.”

Vợ chồng ông đã gắn mình với cơ quan và những người bạn đồng nghiệp ở TTXVN, và luôn tin tưởng rằng TTXVN - hãng thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước, 3 lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục