Một góc di sản thiên nhiên trên địa phận Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Một góc di sản thiên nhiên trên địa phận Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Câu chuyện quản lý di sản liên vùng giữa Hải Phòng-Quảng Ninh sắp đến hồi kết?

Việc thành lập Ban Chỉ đạo quản lý Di sản thế giới Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng là bước đi chủ động của đất Cảng để cùng với Quảng Ninh phát huy giá trị di sản liên vùng.

Di sản Thế giới liên vùng đầu tiên của Việt Nam là vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà vốn là một quần thể, nhưng nhiều năm qua luôn tồn tại ranh giới quản lý giữa vùng biển di sản của Quảng Ninh và Hải Phòng, gây khó khăn cho hoạt động du lịch tàu biển.

Nhằm giúp vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà sớm “liền một dải,” “phá băng” tính cục bộ… giải pháp căn cơ chính là xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ,” thống nhất về mặt quản lý giữa hai địa phương. Và mới đây, Hải Phòng đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quản lý để sớm giải quyết “khúc mắc” giữa Hải Phòng và Quảng Ninh lâu nay.

Tín hiệu tích cực từ thành phố cảng

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng mới đây đã ban hành quyết định số 3667/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo quản lý Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng.

Theo đó, Ban chỉ đạo có chức năng chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản (thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hải Phòng); giúp ủy ban nhân dân thành phố điều phối hoạt động giữa các sở ngành, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới.

Ban chỉ đạo đồng thời có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới, đề xuất xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới.

kayak lan ha 2.JPG
Du khách chèo Kayak trên vịnh Lan Hạ, phía Đông của đảo Cát Bà. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ban chỉ đạo cũng có nhiệm vụ phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới hiệu quả, đúng quy định.

Ban chỉ đạo sẽ kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương và các tổ chức cá nhân liên quan thực hiện chương trình, kế hoạch về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới; tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

Có thể nói, việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đã đặt ra sự cấp thiết trong việc hai địa phương phải cùng “bắt tay” bảo tồn và phát huy giá trị di sản; làm sao để cùng gắn kết mạnh mẽ hơn, kết hợp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển giá trị của Di sản thế giới một cách hiệu quả hơn nữa.

Ngoài việc Vườn quốc gia Cát Bà là đơn vị trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ di sản thì một Ban Chỉ đạo gồm đại diện các cơ quan có liên quan cùng tham gia chỉ đạo, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hải Phòng) theo quy định là thực sự cần thiết.

Không chỉ cùng có trách nhiệm đảm bảo tính bảo tồn, không làm hại cảnh quan tự nhiên, quan trọng hơn là Hải Phòng-Quảng Ninh phải cùng thực hiện đầy đủ và chính xác các điều khoản của Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Copy of Emperor Cruises- Ov1.jpg
Bình minh tuyệt đẹp trong lòng di sản liên vùng vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Như vậy, có thể nói, việc thành lập Ban Chỉ đạo quản lý Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng là một bước đi chủ động của Hải Phòng trong quá trình tiến tới “bắt tay” chặt chẽ với “láng giềng” Quảng Ninh để cùng phát huy giá trị di sản liên vùng.

Hải trình mới kết nối di sản liên vùng

Theo UNESCO, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất.

Trước đây, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần làm việc, bàn bạc thành lập tổ công tác chung liên quan tới quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản, cũng như phối hợp thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới. Song đến nay, Di sản thế giới liên tỉnh này vẫn chưa có ban quản lý chung.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Quản lý di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, ông Lê Khắc Nam cho biết theo phương án chung Trưởng Ban quản lý là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hải Phòng hay tỉnh Quảng Ninh làm Phó ban hoặc luân phiên thì các địa phương sau đó sẽ làm việc với nhau, với sự tham gia của bộ.

Trong thời gian chờ đợi đó, tới đây, từ ngày 15/11, tuyến tàu cao tốc Tuần Châu Express kết nối Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành. Chuyến tàu khởi hành lúc 7 giờ 30 hàng ngày từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), đến vịnh Đồng Hồ (trung tâm thị trấn Cát Bà, Thành phố Hải Phòng) lúc 8 giờ 30. Sau đó, tàu tiếp tục đưa khách đến cảng Đồng Bài và trở lại vịnh Đồng Hồ, quay về Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long lúc 15 giờ cùng ngày.

Ảnh 01.jpg
Hoàng hôn trên đảo Cát Bà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Như vậy, với tuyến vận chuyển hành khách đường biển bằng tàu cao tốc hiện đại đầu tiên được khai thác, kết nối vùng di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà này, người dân, du khách chỉ mất khoảng một tiếng để đi từ Hạ Long đến trung tâm thị trấn Cát Bà, với mức giá 250.000 đồng/người/lượt.

Tuyến tàu này sử dụng tàu cao tốc hai thân có thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, sức chứa 300 khách với nhiều tiện ích giải trí. Tàu có tốc độ tối đa 28 hải lý/ giờ, tính ổn định cao, chống ồn, chống say sóng, có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, gió cấp 7.

Hải trình mới này sẽ giúp người dân và du khách có thêm trải nghiệm thú vị, góp phần giảm lưu lượng, áp lực cho các tuyến phà vốn đã quá tải vào cuối tuần ở Cát Bà đồng thời tăng cường kết nối vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà sau khi được công nhận là Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên của Việt Nam./.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO vào tháng 9/2023, trở thành di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà nằm trên hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng. Tổng diện tích khu vực đề cử di sản thế giới là 65.650 ha với 1.133 hòn đảo, được bao quanh bởi vùng đệm 34.140 ha, bao gồm 2 khu vực chính.

Hai khu vực đó là vịnh Hạ Long thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có diện tích khu vực di sản thế giới 43.400 ha với 775 hòn đảo, và quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng có diện tích khu vực di sản thế giới 22.250 ha với 358 hòn đảo.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Thủ đô Brussels (Bỉ) mỗi dịp cuối năm lại trở nên lung linh huyền ảo hơn bao giờ hết với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh trên khắp các con phố và nhiều hoạt động sôi động, tạo nên một mùa lễ hội đáng nhớ.

Gian hàng món ngon Sài Thành giới thiệu phong phú món ăn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khai mạc Lễ hội ẩm thực đường phố Sài Gòn 2024

Lễ hội lấy cảm hứng từ tinh hoa ẩm thực Việt với 5 hương vị nguyên bản, gồm vị của “tuổi thơ” hồn nhiên, “thanh xuân” tươi mới, “vấp ngã” đầy thử thách, “trưởng thành” chín chắn và “đời” sâu lắng.