Câu chuyện quốc tế: Iran - Cú hích cho cuộc khủng hoảng Syria

Việc Mỹ mời Iran tham dự hội nghị quốc tế về Syria đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ và tạo động lực mới giúp tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Javad Zarif trao đổi trước thềm hội nghị quốc tế về Syria tại Vienna (Áo). (Ảnh: Reuters)

Thêm một cánh cửa đối thoại đã được mở trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria với chìa khóa là Iran.

Việc Mỹ mời Iran tham dự hội nghị quốc tế về Syria tại Vienna (Áo) ngày 30/10 không chỉ là bước chuyển đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Washington, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới giúp tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột ở Syria.

Phương Tây cuối cùng đã phải thừa nhận vai trò của Tehran trong tiến trình đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, bởi trên thực tế Iran vừa là quốc gia có vị thế quan trọng và ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, vừa là đồng minh chủ chốt của Syria và luôn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chính Iran, ngay từ sau khi cuộc xung đột Syria bùng phát, là một trong những nhà trung gian hòa giải tích cực nhất trong nỗ lực thiết lập các kênh đối thoại giữa phe đối lập Syria và chính quyền Damascus.

Tehran liên tục đăng cai tổ chức một loạt cuộc tiếp xúc giữa các phe phái ở Syria nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở quốc gia này.

Điển hình là hội nghị "Đối thoại Dân tộc Syria" tại thủ đô Tehran cuối tháng 11/2012 với sự tham gia của khoảng 200 đại diện chính trị từ các nhóm sắc tộc, thiểu số, phe đối lập cùng đại diện của Quốc hội Syria.

Liên hợp quốc cũng công nhận vai trò xây dựng và tích cực của Iran trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria khi đầu năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chính thức mời Iran tham dự hội nghị Geneva 2 về Syria.

Đáng tiếc, trước sự phản ứng của Mỹ và phương Tây cùng phe đối lập Syria, Liên hợp quốc đã rút lại lời mời, điều mà Nga và Trung Quốc đánh giá là "sai lầm không thể tha thứ."

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp người đồng cấp Iran trước thềm hội nghị

Điều đáng lưu ý là Iran lâu nay luôn ủng hộ đối thoại dân tộc để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài, nhất là quân sự, vào nước này.

Giờ đây, cùng với sự tham dự của Iran, các cuộc đàm phán quốc tế nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria sẽ có được tương quan thế và lực mới.

Ít nhất, tại hội nghị ở Vienna, Iran, Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ… có thể tìm cách tháo gỡ điểm bất đồng mấu chốt nhất khiến các hội nghị quốc tế về Syria không đạt được kết quả, đó là vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong tiến trình chính trị ở Syria.

Những chuyển biến chính trị gần đây chứng tỏ rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và Nhóm P5+1 là một cú hích, không chỉ cải thiện đáng kể quan hệ giữa các bên mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy giải quyết hàng loạt cuộc khủng hoảng khác trong khu vực.

Hy vọng, sự tham gia của Iran trong tiến trình đàm phán quốc tế về Syria cũng có thể tạo ra cú hích giúp chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng đã bước sang năm thứ 5, không chỉ khiến hơn 250.000 người thiệt mạng mà còn đẩy hàng triệu người phải đi lánh nạn và tạo ra cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục