Trong lúc câu chuyện về số phận chiếc máy bay của Malaysia Airlines còn chưa ngã ngũ và nỗi sợ hãi khi đi máy bay đang có đất để lan truyền thì câu chuyện dưới đây sẽ giúp cho độc giả có cái nhìn thú vị về "nỗi sợ máy bay."
Vietnam+ xin giới thiệu bài viết của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, người được giải Nobel văn chương năm 1982 với tác phẩm nổi tiếng "Trăm năm cô đơn."
"Nỗi sợ duy nhất mà người Mỹ Latinh dám nói ra một cách không ngượng ngùng, thậm chí còn có chút tự hào của các đấng nam nhi, ấy là nỗi sợ đi máy bay. Dám nói vì có lẽ đây là một nỗi sợ khác biệt, chưa từng có trong cội nguồn, chẳng hạn như nỗi sợ bóng tối, hay là chính nỗi sợ vì bị nhận ra là ta sợ.
Trái lại, nỗi sợ đi máy bay là thứ mới có gần đây, bởi vì nó chỉ xuất hiện từ khi con người sáng tạo ra khoa học hàng không cách nay hơn một thế kỷ.
Tôi có thể tự hào nói rằng mình cũng sợ đi máy bay như nhiều người khác. Mà có khi tôi phải rất cám ơn cái sự sợ hãi này, vì chính nhờ nó mà tôi đã nhắm mắt bay vòng quanh thế giới ít ra cũng mười lần, tổng cộng khoảng 82 giờ, trên tất cả các loại máy bay. Và trái ngược với những nỗi sợ mang tính di truyền hoặc bẩm sinh vốn có của con người, nỗi sợ đi máy bay là nỗi sợ mà người ta chiêm nghiệm được dần dần.
Tôi còn nhớ những chuyến bay thơ mộng tuổi học trò, trên những chiếc máy bay cánh quạt nhỏ xíu, bay ngang tầm với lũ chim, làm kinh động những đàn bò hiền lành đang nhởn nhơ gặm cỏ, và gió từ cánh quạt máy bay thổi vù vù làm tung lên những chiếc bờm ngựa non vàng óng.
Đôi khi tôi cũng đã thấy một chiếc máy bay mất hút trong các tầng mây, rồi vỡ vụn ra như chiếc bánh ngô và đang đêm người ta phải cỡi lừa đi tìm những đám tro tàn của nó trên đồng cỏ hoang vu.
Một lần, trong vai trò phóng viên của một tờ báo ở Bogota, khi mới vào tuổi hai mươi, tôi được cử đi tìm kiếm thông tin về một vụ tai nạn cùng với một chàng nhiếp ảnh Guillermo Sanchez trên một chiếc phi cơ còn sót lại từ thời chiến tranh.
Chúng tôi bay lượn trên bầu trời của miền rừng rậm Uraba và ngồi trên một đống chổi lá gồi vì lúc đó máy bay chẳng có ghế, và cũng không có cả những cô tiếp viên xinh đẹp để có thể xin số điện thoại khi đang ở trên trời.
Đang bay lượn, máy bay bỗng nhiên mất phương hướng và chui vào một đám mưa giông như thời tiền sử. Mưa xối cả bên ngoài và nước bắn tung tóe cả trong máy bay.
Người phi công phụ lái vừa níu giữ cho máy bay thăng bằng vừa ném cho chúng tôi mấy tờ báo cũ để che đầu cho khỏi ướt, anh ta run cầm cập và nói không ra hơi.
Lần ấy tôi học được một điều rất bổ ích, ấy là ngay cả các viên phi công cũng sợ, chỉ có điều họ cũng giống như các võ sỹ đấu bò phải luôn có tỏ ra bình thản đó thôi.
Một người bạn Tây Ban Nha của tôi vốn sợ đi máy bay đến nỗi mỗi khi lên máy bay, anh không bao giờ dám ngồi xuống ghế, và chính anh đã phát hiện ra điều này trong một lần được mời dự một buổi biểu diễn hàng không.
Trong một dịp ở New York, anh bạn tôi được mời ngồi trong buồng lái để chứng kiến cuộc bay trình diễn dưới trời mưa tuyết. Các phi công ngồi trầm ngâm chờ đợi có vẻ căng thẳng cho đến khi có tiếng hô: Tất cả vào vị trí. Khi đó, những người phi công này nhất loạt giơ tay làm dấu chữ thập và đồng thanh thì thầm: Lạy chúa tôi!
Người bạn tôi sau đó bảo rằng lúc đó ông mới hiểu là trong sâu thẳm tâm hồn, ngay cả các phi công cũng sợ bay như bất kỳ ai, và rồi từ đó ông không còn thấy sợ đi máy bay nữa.
Có một câu chuyện khá tế nhị mà tôi muốn kể ra đây. Trong một lần khi chúng tôi đang bay trên bầu trời một vùng eo biển ở Đại Tây Dương. Trên máy bay, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, và bỗng nhiên tôi nhớ đến một người bạn học cũ là phi công trong đội bay này nên hỏi cơ trưởng về anh mà không biết rằng anh đã chết trước đó trong một vụ nổ máy bay tại đảo Tenerife khi hạ cánh trong điều kiện sương mù.
Tuy nhiên, lúc đó người cơ trưởng, với nét mặt thản nhiên như không có gì xảy ra vẫn chậm rãi trả lời: Anh ấy đã nghỉ hưu, không còn làm ở công ty từ ba năm nay rồi.
Nhưng tôi phải nói rằng nỗi sợ đi máy bay không có liên quan gì đến những vụ tai nạn hàng không. Danh họa Picasso có một câu nói nổi tiếng: Tôi không sợ chết, tôi sợ cái máy bay.
Có nhiều người đã không còn sợ đi máy bay sau khi đã sống sót qua một vụ tai nạn. Còn tôi, tôi bị mắc chứng sợ máy bay bởi một chuyến bay đêm từ Miami đến New York trên một trong những chiếc máy bay phản lực đầu tiên.
Đêm ấy bầu trời trong vắt và chiếc máy bay dường như đứng im không dịch chuyển trên không trung. Tôi ngồi ngắm sao trời qua cửa sổ máy bay với một cảm giác êm đềm cứ như là Saint- Expupery ngắm nhìn những đốm lửa cháy lập lòe trên sa mạc từ trên chiếc máy bay bằng nhôm của ông ta. Thế rồi bỗng nhiên trong một trạng thái tinh thần vô cùng tỉnh táo, tôi bỗng phát hiện ra rằng chiếc máy bay to thế kia không thể nào lại đứng im như thế giữa bầu trời, kiểu gì rồi nó cũng sẽ rơi… và từ đó tôi thề rằng sẽ không bao giờ đi máy bay nữa.
Đúng 10 năm tôi không dám đặt chân lên máy bay, cho đến một ngày cuộc sống dạy tôi rằng người thực sự sợ máy bay không phải là người không dám bay, mà là người cố học cách bay với nỗi sợ trong đầu.
Trong số những người nổi tiếng vì sợ đi máy bay tôi biết chỉ có kiến trúc sư vĩ đại người Brazil Niemayer, người không hề bao giờ đặt chân lên máy bay.
Trái lại nhà văn Jorge Amado, đồng hương của Niemayer, vốn là một người rất sợ máy bay thế mà lại nổi hứng dám ngồi trên một chiếc Concord đang thử nghiệm bay từ Paris đi New York để từ đó đáp tàu thủy về Rio de Janeiro.
Nhà văn Venezuela Miguel Otelo Silva và đạo diễn điện ảnh Brazil Ruy Guerra, bằng những con đường khác nhau, đều đi dến kết luận rằng cách tốt nhất để chống lại nỗi sợ đi máy bay chính là cứ bay với nỗi sợ trong đầu và theo quan niệm ấy, tháng nào họ cũng “chiến đấu” với nỗi sợ như thế và đã vượt qua hội chứng sợ đi máy bay.
Nhà văn Carlos Fuentes đã không dám đi máy bay trong suốt 15 năm, và trong thời gian đó ông chỉ dám đi tàu hỏa từ Mexico sang New York, cứ mỗi chuyến hành trình là tám ngày đêm, thế nhưng gần đây ông dám bay trên chiếc máy bay nhỏ một động cơ từ Mexico City sang tận Đại học Indiana để thuyết trình một chuyên đề văn chương ở đó.
Mẹ tôi là người đi máy bay không quá hai lần trong cuộc đời dài dằng dặc của bà. Bản thân bà không biết nỗi sợ máy bay là gì, nhưng bà lại biết rõ nỗi sợ đó của 12 người con, và bà bao giờ cũng thắp nến trên bàn thờ để cầu nguyện cho bất cứ người nào trong chúng tôi đang phải bay trên trời.
Ấy thế mà một người con của bà, vốn là một kỹ sư cầu đường, lại bị một chiếc xe ủi đất đè lên trong một vụ tai nạn hy hữu.
Nghe nói rằng để đưa được xác chú ấy ra khỏi gầm chiếc xe khổng lồ kia giữa con đường đèo dốc quanh co phải tốn phí hàng trăm nghìn peso, bà bảo chúng tôi rằng không phải tốm kém nhiều như thế, cứ để bà thắp nến cầu khấn là khắc có thần linh phù hộ đưa được chú ấy ra khổi chốn bất hạnh kia.
Một chú em khác của tôi trách bà: Chỉ có mẹ mới nghĩ rằng thắp nến cầu nguyện là có thể đưa được anh ấy về. Bà thản nhiên bảo: Sao lại không chứ? con xem cái tàu bay kia nó đứng im được trên trời mà không rơi thì sao ta lại không có thể thắp nến cầu khấn mà đưa nó về nhà được chứ?"./.