“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” - tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang là một tác phẩm rất khác so với những sáng tác trước đó của chị, dù lối hành văn đẹp của tác giả vẫn được kế thừa và phát triển.
Có thể xếp “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” vào dòng văn học tâm linh. Đó là sự diễn giải vấn đề nhân duyên, con đường dẫn tới tình yêu và phía sau của cái chết… thông qua những tư tưởng, ý niệm của Phật giáo.
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” là hành trình chinh phục đỉnh núi Kilimanjaro linh thiêng ở Tanzania của hai nhân vật chính: Jen và Lynk. Jen đến từ Nepal. Còn Lynk là một doanh nhân người Việt Nam có lối sống thực dụng và đầy toan tính.
Lynk có hẹn cùng chinh phục đỉnh Kilimanjaro với Jen và nhóm bạn của cô. Thế nhưng, Jen đã gặp tai nạn ngay từ khi mới tới khảo sát và phải nhập viện trong trạng thái khi tỉnh khi mê. Vậy là chỉ còn một mình Lynk thực hiện cuộc hành trình với sự giúp đỡ của những người dân địa phương.
Sau lần gặp nhau ở bệnh viện - nơi Jen đang điều trị, hai con người vốn chỉ tương tác với nhau qua mạng Internet bỗng có sự gắn kết, tương hỗ đặc biệt về mặt tinh thần. Bằng cách đó, Jen đã tạo động lực thúc đẩy Lynk vượt qua những khoảnh khắc cận kề cái chết để đi tới đích trong hành trình chinh phục đỉnh Kilimanjaro.
Về phía Lynk, sau cơn say độ cao và những phen đối mặt với cái chết, anh sám hối về hậu quả của những việc anh đã làm và cách anh đã sống. Để rồi, dù biết rằng, việc tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Kilimanjaro đồng nghĩa với việc đi tới cái chết, Lynk vẫn chọn nó như một cách để trả nợ mối nhân duyên tiền kiếp.
Tầng sâu hơn của tình yêu và cái chết là lòng bác ái và sự vĩnh hằng. Đó cũng chính là thông điệp mà sáng tác của Nguyễn Quỳnh Trang muốn gửi tới độc giả.
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” sử dụng nhiều ý niệm của Phật giáo. Nhân vật sống với nhiều tâm trạng, mải miết đi tìm mục đích sống trong sự lạc lối và vô vọng, không hiểu ngay chính những thứ gần mình nhất nhưng lại dám dấn thân vào điều nguy hiểm nhất. Từ đó, nó thôi thúc người đọc lắng lại suy ngẫm, chiêm nghiệm sau khi gấp trang sách lại.
“Trở lại với tiểu thuyết của Nguyễn Quỳnh Trang, vấn đề được gọi là ‘viết về chính mình và về thế hệ mình’ là gì? Tôi nghĩ, đó là một hành trình tìm kiếm bản ngã và lẽ sống. ‘Tôi là ai? Tôi phải sống như thế nào?’ Có lẽ, đó là âm điệu trầm buồn làm thành nền tảng cho biết bao xô bồ của thế giới tiểu thuyết,” nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) chia sẻ.
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” được viết trong thời gian 2 năm (2014-2016) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tiểu thuyết dày dặn nhất, mất nhiều tâm sức nhất mà Nguyễn Quỳnh Trang đã từng viết kể từ năm 2006 tới nay.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang sinh năm 1981 tại Hà Nội. Chị đến với văn chương từ năm 7 tuổi cùng các sáng tác thơ in trên báo Nhi Đồng, Thiếu Niên và Hoa Học Trò. Chị cũng là tác giả của nhiều tựa sách như tiểu thuyết “1981,” “Nhiều cách sống,” “Mất ký ức,” “9X'09”...
Những nhân vật trong các sáng tác của Quỳnh Trang thường in hằn sự cô đơn, nỗi thống khổ đeo đẳng với nghi vấn: “Tôi là ai? Trước khi sinh thành, tôi thế nào? Sau cái chết, điều gì xảy ra? Sứ mệnh tôi mang với kiếp người này là gì?”
Đến “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro,” nữ nhà văn tiếp tục tiến xa hơn trong việc định hình con đường tìm kiếm bản thể bên trong mỗi người, cách thức vượt qua khổ đau để đến với hạnh phúc, an lạc...
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Xasa phát hành tháng 10/2016./.