Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành truyện phim “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong đó có những hình ảnh bản thảo, minh họa lần đầu tiên được công bố.
Tác phẩm “Lũy hoa” là một trong những tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng, kết tinh tâm huyết và tình cảm mà nhà văn dành cho Hà Nội - nguồn cảm hứng lớn cho hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.
Tác phẩm tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ Thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc.
Bản in lần này bao gồm ảnh chụp những trang bản thảo “Lũy hoa,” hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác “Lũy hoa” và “Sống mãi với Thủ đô.”
Ở lời tựa cuốn sách, Giáo sư Phong Lê cho rằng trong giai đoạn cuối đời, Nguyễn Huy Tưởng đã dồn tụ tất cả sinh lực và tâm lực cho đề tài kháng chiến của quân dân Thủ đô, cho một Hà Nội không lúc nào không bám chắc trong tâm tưởng ông trên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Cùng chung đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, cùng chung niềm cảm hứng về mảnh đất và con người Hà Nội, hai tác phẩm bổ sung cho nhau để trở thành một chỉnh thể gắn bó hữu cơ.
Theo Giáo sư Phong Lê, truyện phim “Lũy hoa” không chỉ được xem như “khung sườn” cho cuốn tiểu thuyết dở dang, mà còn có đủ phẩm chất văn chương để có thể tồn tại như một tác phẩm văn học với bút pháp riêng: Chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa.
“Nếu ‘Sống mãi với Thủ đô’ tạm dừng ở ba ngày đêm đầu của cuộc chiến thì ‘Lũy hoa’ cho ta chứng kiến cuộc chiến diễn ra trong suốt 60 ngày đêm, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch,” Giáo sư Phong Lê viết./.
Hé lộ nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Chân dung văn nhân tiền chiến
Cuốn nhật ký không chỉ dành cho những ai yêu văn chương nói chung, yêu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng, mà còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về thế hệ nhà văn tiền chiến.
Cùng hướng về Hà Nội trong những ngày tháng Mười lịch sử, nhà báo-nhà thơ Huỳnh Mai Liên ra mắt tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” với 54 bài thơ khắc họa Hà Nội vừa quen thuộc vừa mới lạ, vừa cổ kính vừa hiện đại.
Mỗi vần thơ giống như một lời thủ thỉ ngọt ngào của người mẹ, kể cho con nghe về thành phố nơi chúng đang lớn lên. Từ những phố cổ rêu phong đến các tòa nhà chọc trời hiện đại, từ mặt Hồ Gươm lấp lánh đến những hàng cây xanh mát, tất cả đều hiện lên sống động qua ngôn ngữ giàu hình ảnh: “Ông Cột cờ Hà Nội/ Ngắm đoàn khách thiếu nhi/ Đoán tụi trẻ nghĩ gì/ Khi thấy mình cũ kỹ” ("Câu chuyện trăm năm").
Với những vần thơ chan chứa tình cảm kết hợp cùng nét vẽ trong trẻo của con gái tác giả - bé Mai Khuê, tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” sẽ là món quà đặc biệt cho các bạn trẻ yêu thơ.
Tiến sỹ giáo dục, nhà thơ Thụy Anh nhận định: “Cảm ơn chị Mai Liên vì những câu chuyện thủ thỉ với con mỗi ngày, mang lại cho cá nhân tôi những gì ấm áp của Hà Nội. Các bài thơ của chị đã cho tôi tìm lại những góc yên bình của Hà Nội xưa.”