'Cha đẻ' của cuộc Cánh mạng Xanh tại Ấn Độ qua đời ở tuổi 98

Với những đóng góp to lớn cho cuộc Cách mạng Xanh tại Ấn Độ cũng như hỗ trợ các nước châu Á, Tiến sỹ Swaminathan được tạp chí Time công nhận là một trong 20 người châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
'Cha đẻ' của cuộc Cánh mạng Xanh tại Ấn Độ Monkombu Sambasivan Swaminathan. (Ảnh: AFP)

Ông Monkombu Sambasivan Swaminathan, người mở ra "Cuộc Cách mạng Xanh" ở Ấn Độ gần 6 thập kỷ trước giúp chấm dứt nạn đói và đưa Ấn Độ trở thành nước sản xuất lúa mỳ hàng đầu, đã qua đời vào sáng 28/9 tại nhà riêng ở Chennai, hưởng thọ 98 tuổi.

Vào những năm 1960 khi Ấn Độ hầu như không thể tồn tại nhờ nhập khẩu trực tiếp, nhà khoa học trẻ Swaminathan đã từ chối các vị trí quan trọng trong học viện và chính phủ để nghiên cứu nông nghiệp.

Ông đã lai tạo các hạt giống lúa mỳ giúp Ấn Độ tăng gấp ba lần sản lượng hàng năm chỉ trong 15 năm.

Cuộc Cách mạng Xanh xuất hiện khi hạt giống lai đã giúp nông dân Ấn Độ bỏ qua những thiệt hại sinh thái tiềm ẩn do sử dụng nhiều phân bón, giảm mực nước ngầm do tưới tiêu và giảm tác động của chu kỳ cây trồng lặp đi lặp lại đến chất lượng đất.

Sự ủng hộ của ông đối với các phương pháp canh tác bền vững đã đưa ông trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh lương thực bền vững.

Trở lại năm 2008, khi Tiến sỹ Swaminathan 82 tuổi, ông đã nói với phóng viên hãng thông tấn Reuters rằng canh tác bảo tồn và công nghệ xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng cho một "Cuộc cách mạng Xanh" bền vững của thế kỷ 21, có thể thúc đẩy Ấn Độ trở thành nhà cung cấp thực phẩm lớn hơn cho thế giới.

Đáng chú ý, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Nông dân, Tiến sỹ Swaminathan đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những khó khăn của nông dân.

Các khuyến nghị của ủy ban bao gồm đặt giá bán tối thiểu cao hơn ít nhất 50% so với giá thành trung bình của sản phẩm và giảm bớt những thách thức cho nông dân.

Tiến sỹ Swaminathan cũng đã tham gia nhiều sáng kiến khác nhau như tập trung vào dinh dưỡng, tiếp cận Internet ở vùng nông thôn Ấn Độ...

Ông cũng có công trong việc thành lập một số viện nông nghiệp ở Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Pakistan, Iran và Campuchia.

Quỹ nghiên cứu MS Swaminathan có trụ sở ở Chennai hồi tháng 11/2021 đã đăng bài viết trên tài khoản facebook nhấn mạnh vai trò của Giáo sư Swaminathan trong việc đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam sau chiến tranh Việt Nam.

Theo bài viết, Giáo sư Swaminathan đã đóng vai trò trong việc thành lập Viện Nghiên cứu Lúa gạo Cửu Long (CLRRI), Viện Nghiên cứu Trồng trọt miền Nam (SOFRI), đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn như hiện nay.

[Nhà khoa học góp công phát hiện virus HIV qua đời ở tuổi 89]

Những đóng góp đáng chú ý đã mang về cho ông một số giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 1971 và Giải thưởng Lương thực Thế giới đầu tiên vào năm 1987.

Ông cũng được vinh danh với giải thưởng Padma Shri năm 1967, giải thưởng Padma Bhushan năm 1972 và giải thưởng Padma Vibhushan năm 1989.

Năm 2013, Đài NDTV đã vinh danh ông với Giải thưởng Huyền thoại sống Toàn cầu Vĩ đại Nhất.

Khi đó, ông nói: "Tương lai thuộc về những quốc gia có ngũ cốc chứ không phải súng ống. Đạt được an ninh lương thực và trao quyền hợp pháp đối với lương thực cho người Ấn Độ không hề dễ dàng.”

Ảnh hưởng của Tiến sỹ Swaminathan đã vượt ra ngoài biên giới và được tạp chí Time công nhận là một trong 20 người châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Trước sự ra đi của nhà khoa học đáng kính, Tổng thống Droupadi Murmu và Thủ tướng Narendra Modi đã cùng các nhà lập pháp, nhà khoa học và người dân trên khắp đất nước bày tỏ lời chia buồn.

Trong bài viết đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Murmu nêu rõ: “Ông (Swaminathan) đã để lại một di sản phong phú về khoa học nông nghiệp Ấn Độ, có thể đóng vai trò là ánh sáng dẫn đường đưa thế giới hướng tới một tương lai an toàn hơn và không có nạn đói cho nhân loại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục