Cha đẻ của tác phẩm kinh điển “Đời nhẹ khôn kham” qua đời

Tổng thống Séc ca ngợi Nhà văn Kundera là một trong những tác giả Séc quan trọng nhất trong thế kỷ 20, người mang số phận tượng trưng cho lịch sử đầy biến cố của đất nước quê hương.
Cha đẻ của tác phẩm kinh điển “Đời nhẹ khôn kham” qua đời ảnh 1Nhà văn Milan Kundera. (Ảnh: Getty Images)

Nhà văn người Séc Milan Kundera nổi tiếng thế giới với những tác phẩm được đánh giá thuộc hàng kinh điển như “Đời nhẹ khôn kham” (nguyên bản tiếng Séc “Nesnesitelná lehkost bytí”) đã qua đời ngày 11/7 tại căn hộ riêng ở thủ đô Paris (Pháp).

Dù chuyển tới Pháp sinh sống từ năm 1975, Milan Kundera vẫn giữ mối liên hệ với quê hương, đặc biệt là nơi ông sinh ra ngày 1/4/1929 - thành phố Brno, thủ phủ vùng Moravia của Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc cũ).

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel ca ngợi Nhà văn Kundera là một trong những tác giả Séc quan trọng nhất trong thế kỷ 20, người mang số phận tượng trưng cho lịch sử đầy biến cố của đất nước quê hương.

Cùng với Nghị viện châu Âu (EP), Hạ viện Séc đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ ông.

Milan Kundera xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn với tư cách một nhà thơ nhưng sau đó được biết đến nhiều hơn qua những cuốn tiểu thuyết và tiểu luận.

Những tác phẩm nổi tiếng được ông viết bằng tiếng Séc có thể kể đến như “Žert” (Lời đùa cợt - 1967), tuyển tập truyện ngắn “Směšné lásky” (Những mối tình nực cười - 1968), “Valčík na rozloučenou” (Điệu valse giã từ - 1976), “Kniha smíchu a zapomnění” (Sách cười và lãng quên - 1979), “Nesnesitelná lehkost bytí” (Đời nhẹ khôn kham - 1984), “Nesmrtelnost” (Sự bất tử - 1990)…

Các tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông được giới phê bình đánh giá cao như “Les testaments trahis” (Những di chúc bị phản bội - 1992), “La Lenteur” (Chậm rãi - 1993), “L'Identité” (Bản nguyên - 1998), “L'Ignorance” (Vô tri - 2000)…

Sau khi rời Tiệp Khắc sang Pháp năm 1975, Kundera đã trở thành nhà văn nổi tiếng toàn thế giới.

[Nữ danh ca Coco Lee qua đời ở tuổi 48 sau thời gian dài trầm cảm]

Theo Thư viện Moravia, nơi quản lý thư viện và kho lưu trữ của nhà văn, các tác phẩm của Kundera đã được xuất bản bằng 54 ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông lại muốn “biến mất sau tác phẩm và từ bỏ vai trò người của công chúng."

Từ cuối những năm 1980, ông từ chối các cuộc trả lời phỏng vấn và sống ẩn dật. Theo người bạn đời của nhà văn, bà Věra Kunderová, dù đã dành nửa cuộc đời ở nước Pháp và sáng tác bằng tiếng Pháp, nhà văn Kundera bày tỏ nguyện vọng được an nghỉ tại quê hương Brno.

Năm 2019, Kundera được nhận quốc tịch Séc và nhờ mạng lưới bạn bè, ông đã duy trì liên lạc với quê hương cho đến khi qua đời ở tuổi 94. Năm 2010, Nhà văn Kundera đã được trao danh hiệu công dân danh dự của Brno.

Ngày 12/7, trên tài khoản mạng xã hội, Tổng thống Séc Pavel đã ca ngợi những đóng góp của nhà văn Kundera đối với nền văn học thế giới, cho rằng số phận của nhà văn tượng trưng cho lịch sử đầy biến cố của đất nước quê hương trong thế kỷ 20.

Hãng tin CTK dẫn lời Thủ tướng Séc Petr Fiala nhấn mạnh thành công của nhà văn Kundera khi các tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới biết đến.

Cũng theo Thủ tướng Fiala, dù phải rời xa đất nước Nhà văn Kundera vẫn luôn gắn bó mật thiết với quê hương Brno của mình.

Phó Thủ tướng Séc Vlastimil Valek gọi Nhà văn Kundera là “người khổng lồ của nền văn học Séc," còn Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil mô tả Kundera “là một trong những nhà văn xuất sắc nhất, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong thế giới văn học."

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Séc Martin Baxa đánh giá văn học Séc và thế giới đã mất đi một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất, song những tư tưởng và đóng góp của Kundera đối với nền văn học thế giới sẽ còn mãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.