Chặn đứng những 'âm thanh lạc điệu' về Ngày hội toàn dân đi bầu cử

Lực lượng Công an các tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về công tác bầu cử.
Trong ngày 23/5/2021, cả nước sẽ có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. (Ảnh Minh Sơn/Vietnam+)
Trong ngày 23/5/2021, cả nước sẽ có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. (Ảnh Minh Sơn/Vietnam+)

Chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân.

Cử tri cả nước tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, thực thi quyền làm chủ trước vận mệnh, tương lai của đất nước.

Thành công của cuộc bầu cử góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Hướng về sự kiện trọng đại này, cùng với các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp.

Thế nhưng, đi ngược lại với quyết tâm và mục tiêu chung ấy, càng gần đến ngày bầu cử, các phần tử cơ hội chính trị, thù địch, phản động, lại càng ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc bầu cử.

Chúng tìm mọi cách, tung lên các trang mạng xã hội đủ loại thông tin sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; bịa đặt, tung tin sai sự thật về công tác bầu cử để gây nhiễu loạn, hoang mang, hoài nghi trong nhân dân; kích động, kêu gọi người dân không tham gia bầu cử; lợi dụng quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội để gây rối...

Với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau, chúng đều hướng tới mục tiêu phá hoại cuộc bầu cử, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk mới đây đã phát hiện đối tượng tự xưng là Đỗ Minh Hiền, đang ở nước ngoài, nhưng đã soạn các tài liệu, gửi vào 2 hộp thư điện tử của một cơ quan ở huyện Krông Ana từ địa chỉ "Minh Hien<vseobse@gmail.com>" với những thông tin xuyên tạc, làm sai lệch về tình hình trong nước, về quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cổ xúy cho đa nguyên, đa đảng.

Ngoài ra, một số đối tượng khác trên địa bàn tỉnh cũng đăng bài trên mạng xã hội facebook nói xấu chế độ, xuyên tạc công tác ứng cử, bầu cử; kêu gọi tẩy chay bầu cử, không đi bỏ phiếu; ủng hộ các trường hợp tự ứng cử, ứng cử không qua hiệp thương.

Vô hình chung, những đối tượng này đã kích động, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật; phủ nhận quyền làm chủ của nhân dân mà pháp luật quy định.

Tại Vĩnh Phúc, qua rà soát, đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 20 trang mạng, hội nhóm, fanpage có biểu hiện đăng tải các thông tin không chính xác, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn.

[Chủ tịch QH dự phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự ngày bầu cử]

Mới đây, Công an huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, cho biết vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan mời ông Hoàng Công Ích (trú thôn 3, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai) để làm rõ việc đưa thông tin sai sự thật về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum phát hiện tài khoản facebook "Công Ích Hoàng" thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung xuyên tạc, sai sự thật về công tác bầu cử.

Chặn đứng những 'âm thanh lạc điệu' về Ngày hội toàn dân đi bầu cử ảnh 1Băngrôn, biểu ngữ tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ngày 23/5. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tài khoản facebook này còn chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi các bài viết trên được đăng tải, nhiều tài khoản đã lên án hành vi này, nhưng chủ tài khoản "Công Ích Hoàng" vẫn tiếp tục thực hiện việc đăng tải các thông tin sai sự thật.

Gần 40 tuổi đời, ở cái tuổi lẽ ra đã chín chắn về nhận thức và hành vi, nhưng Nguyễn Huy Hùng (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội), trong nhóm Zalo "Đô thị Đô Nghĩa" đã có những bình luận vô căn cứ, bất chấp luật pháp như "Bầu hay ko bầu thì có khác gì nhau đâu bác? đi bầu cho phí thời gian...!" rồi đưa ra những thông tin không có cơ sở, hoàn toàn sai sự thật.

Hành vi của Hùng đã bị cơ quan chức năng kết luận là: Vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Mọi hành vi sai phạm, tùy theo mức độ đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Hành vi vi đăng tải thông tin sai sự thật về bầu cử trên mạng xã hội Zalo của Nguyễn Huy Hùng đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Công an các tỉnh Đắk Lắk, Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị bằng các biện pháp nghiệp vụ thường xuyên rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, kích động người dân hành động gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.

Việc Hoàng Công Ích xuyên tạc, đưa tin sai sự thật về công tác bầu cử trên tài khoản facebook đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Đại diện Công an huyện Ia H’Drai cho biết với hành vi vi phạm này, ông Hoàng Công Ích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 10 triệu đồng vì đã cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Việc cố tình phát tán những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Đảng, Nhà nước, đã đi ngược mong muốn, nguyện vọng của cử tri và đông đảo nhân dân. Đó chỉ là những âm thanh nhỏ nhoi, lạc điệu, không thể làm thay đổi âm điệu hùng tráng của cả một bản nhạc vui, không thể ảnh hưởng đến niềm tin tưởng và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân hướng về Ngày bầu cử.

Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Chỉ thông qua bầu cử, công dân mới thực hiện quyền của mình để bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đây không chỉ là quyền thiêng liêng của mỗi cử tri mà còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, ngay từ rất sớm, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.

Trước những diễn phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã liên tục có các văn bản chỉ đạo để đảm bảo việc triển khai các bước trong công tác chuẩn bị bầu cử không bị gián đoạn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Văn bản 234 gửi Ủy ban Bầu cử ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 640 gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Văn bản 214 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Hội đồng tới Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19...

Và thực tế, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, qua 3 vòng tổ chức hội nghị hiệp thương, tại Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, tổ chức các Hội nghị hiệp thương đúng tiến độ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hoàn thành trọng trách của Mặt trận Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân giao phó.

Đến nay, cả nước có 868 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, có 6.201 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 3.727 đại biểu; 37.463 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện để bầu 22.953 đại biểu; 405.110 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã bầu 246.510 người.

Ngay sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Ủy ban Bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tới thời điểm này, các ứng cử viên đang tiến hành hoạt động vận động bầu cử.

Đây là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu khi được bầu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử.

Trên cơ sở đó, cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Có thể nói, các hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên thực sự là đợt sát hạch cuối cùng để cử tri, nhân dân cả nước gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng qua những lá phiếu bầu trong Ngày bầu cử 23/5 tới đây.

Tới thời điểm này, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, nhưng vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, để Ngày bầu cử 23/5/2021 diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch, đúng trình tự pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục