Với các bút danh Charb, Wolinski, Cabu, Tignous và Honore, các họa sĩ biếm họa của tờ Charlie Hebdo nổi tiếng vì thường chọc cười đủ loại quyền lực và gần như không chịu sự hạn chế nào cả.
Nhưng hành động bất kính ấy đã khiến một số cây biếm họa được tôn thờ nhưng cũng gây tranh cãi bậc nhất Pháp phải trả giá bằng mạng sống. Họ nằm trong số 12 người bị giết trong sau vụ tấn công nhằm vào trụ sở tạp chí hôm 7/1.
Tổng biên tập tạp chí là Stephane "Charb" Charbonnier đã bị sát hại khi những kẻ tấn công bịt mặt và cầm súng AK lao vào, vừa bắn vừa hô "Allahu akbar" (Thượng đế toàn năng). Những kẻ tấn công nói rằng chúng đã trả thù cho Nhà tiên tri Mohammed.
Ngoài Charbonnier, những người khác thiệt mạng còn có Georges Wolinski, cây biếm họa với bút danh Wolinsk; Jean "Cabu" Cabut; Bernard "Tignous" Verlhac và Philippe Honore. Đây là thành viên một nhóm các cây biếm họa, với những bức vẽ mô tả Nhà tiên tri Mohammed được tung ra trong mấy năm gần đây đã khiến không ít người Hồi giáo phẫn nộ.
Trong số bị giết còn có nhà báo, nhà kinh tế học kiêm cổ đông của Charlie Hebdo là Bernard Maris. Công việc đã biến họ thành mục tiêu và khiến họ phải trả cái giá quá đắt.
Patrick Klugman, Phó Thị trưởng Paris, cho biết các nạn nhân gồm nhiều cây biếm họa nổi tiếng nhất Pháp trong nhiều thập kỷ. “Đây là cú sốc lớn với giới báo chí và mọi người trên thế giới” – ông nói – “Đây là tổn thất lớn lao. Chưa bao giờ có một tờ báo bị tấn công với mức độ bạo lực thế này.”
Các cây biếm họa tài năng bị sát hại gồm những người sau:
Stephane "Charb" Charbonnier
Charbonnier, 47 tuổi, là Tổng biên tập Charlie Hebdo vào năm 2009. Tạp chí không xa lạ với các màn vẽ tranh biếm họa gây tranh cãi. Tuy nhiên các bức biếm họa nhắm tới Hồi giáo thường gây ồn ào nhất.
Trang bìa cuối cùng Charbonnier phụ trách có bức biếm họa của nhà văn Michel Houellebecq, người viết một cuốn tiểu thuyết nói về việc Pháp nằm dưới sự quản lý của người Hồi giáo.
Đất nước này hiện có cộng đồng dân Hồi giáo đông nhất châu Âu, với 4,7 triệu người. Tranh biếm họa vẽ Houellebecq có kèm một tuyên bố nói rằng: "Năm 2022, tôi sẽ ăn chay Ramadan.
"Tin nhắn tweet cuối cùng của Charlie Hebdo trước vụ tấn công diễn ra hôm thứ Tư có kèm bức biếm họa vẽ lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi.
Với tư cách Tổng biên tập, Charbonnier luôn bảo vệ sự tự do sáng tạo của các biên tập viên, phóng viên dưới quyền. Ông cũng nổi tiếng ương ngạnh, không đầu hàng trước các áp lực.
"Chúng tôi thích chọc tức. Đã 20 năm kể từ khi chúng tôi làm chuyện này. Nhưng người ta chỉ chú ý khi chúng tôi nói về Hồi giáo hoặc bộ phận gây vấn đề của Hồi giáo và nó chỉ là thiểu số” - Charbonnier nói với kênh truyền hình BFMTV hồi năm 2012.
Năm 2011, Charlie Hebdo bị những kẻ cực đoan ném bom cháy vào văn phòng, do đăng tranh biếm họa chỉ trích luật Hồi giáo.
"Bên trong đã biến thành mớ hỗn độn không thể miêu tả được” - Charbonnier nói với kênh truyền hình CNN vào năm 2011 – “Mọi thứ đều chảy ra, từ các bàn phím cho tới máy tính. Thứ gì cũng hỏng. Tro bụi phủ đầy đồ đạc của chúng tôi.”
Một năm sau vụ việc trên, Charbonnier vẫn không có ý định thay đổi Charlie Hebdo.
“Nghe có vẻ hơi khoa trương” – ông nói – “Nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống trong cảnh quỳ gối.”
Cái chết của Charbonnier và các đồng nghiệp đã khiến nhiều tờ báo ở Pháp và thế giới lên tiếng ủng hộ. Trên mạng xã hội, nhiều người đã lan truyền tin nhắn có ảnh bìa của tạp chí kèm dòng chữ "Je suis Charlie!" (Tôi là Charlie!).
Bernard 'Tignous' Verlhac
Cây biếm họa Xavier Bonilla của Ecuador nói rằng ông quen Verlhac, 57 tuổi, trong các buổi hội thảo của Cartooning for Peace, một sáng kiến quốc tế nhằm cổ súy sự khoan dung qua tranh vẽ.
"Tignous là người rất giỏi về khả năng hài hước và có thái độ dễ chịu” – Bonilla nói – “Anh tin tưởng mạnh mẽ vào sự tự do báo chí, thể hiện qua các bức biếm họa. Anh là người được hưởng sự tự do sáng tạo nghệ thuật tới mức cao nhất và xuất bản các bức tranh biếm họa mà chẳng sợ gì.”
Bonilla còn nhớ một buổi tiếp đón ngoại giao mà ông dự cùng Verlhac tại Đại sứ quán Pháp ở Bogota, Colombia.”Anh ấy đề nghị 10 người phụ nữ ngồi trên ghế bành và tạo dáng” – Bonilla kể.
"Anh tỉ mẩn vẽ lại mọi thứ. Xong xuôi, anh cho những người phụ nữ ấy xem tranh và họ không hài lòng lắm vì không được đẹp trong tranh. Anh bèn nói với họ rằng: 'Tôi vẽ tranh giống như ngoại hình của các cô và đây là thứ mà tôi thấy từ các cô. Rồi anh ấy cười lớn. Đó là dạng hài hước sâu cay đã hiển hiện rất rõ trong các bức biếm họa của anh ấy. Verlhac rất giỏi về mặt này. Anh ấy là một nghệ sĩ vĩ đại”.
Georges Wolinski
Cây biếm họa Felipe Galindo nói rằng ông là bạn của Wolinski, 80 tuổi. “Ông là một nghệ sĩ biếm họa tuyệt vời” - Galindo nói - "Không có gì là thiêng liêng với ông ấy. Ông sẵn sàng sờ vào mọi thứ. Nhưng ông ấy cũng rất nhã nhặn, dễ mến.”
Galindo nói rằng Wolinski và các nghệ sĩ trào phúng kháng đã đi theo “truyền thống biếm họa chính trị Pháp, chuyên nhạo báng các vị vua và những điều tương tự, tới mức độ cực đoan.”
Theo Galindo, Wolinski và những người khác quan tâm tới khả năng các công dân Pháp bị trả đũa, hơn là việc bản thân họ có thể bị hại. “Họ rất tự hào về di sản, đất nước mình, cũng như sự tự do ngôn luận” – ông nói – “Họ là những kẻ bị hiến tế. Nhưng trong trường hợp này, ngòi bút đã mạnh hơn súng, gươm.
Họ sẽ củng cố ý tưởng bảo tồn sự tự do ngôn luận của chúng tôi”- ông nói.
Dưới trang Instragram của Wolinski, con gái ông đã tải lên bức ảnh cha cô đang vẽ kèm chú thích: “Bố đã ra đi, nhưng không phải Wolinski."
Jean 'Cabu' Cabut
Cabut, 76 tuổi, đã đóng góp các mẩu truyện tranh hài hước cho tạp chí. Bức tranh minh họa đầu tiên của ông đã được sử dụng trên báo chí ở Paris kể từ năm 1954. Trước đó ông theo học nghệ thuật tại trường École Estienne.
Năm 2006, ông vẽ một bức biếm họa gây tranh cãi mô tả Nhà tiên tri Mohammed. Bức vẽ đã xuất hiện trên trang bìa Charlie Hebdo.
Tờ Daily Mail của Anh gọi ông là “một nhân vật văn hóa gần như thành huyền thoại ở Pháp.” Với tư cách cây biếm họa hàng đầu của tạp chí, Cabu cũng là họa sĩ biếm họa được trả lương cao nhất thế giới.
Philippe Honore
Honore, 73 tuổi, đã vẽ bức tranh đăng trên tin nhắn tweet cuối cùng của Charlie Hebdo vào sáng ngày 7/1. Bức tranh vẽ thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al Baghdadi đang chúc mừng năm mới.
Bernard Maris
Maris còn là một giáo sư tại Viện nghiên cứu châu Âu ở Đại học Paris VIII. Ông cũng là một nhà bình luận và đang ngồi ghế Phó Tổng biên tập tạp chí khi bị sát hại./.