Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27 /2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn quá thấp so với thực tế.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng cũng như việc phát triển kinh tế gia đình theo quy mô lớn, tập trung.
Theo Thông tư 27, các trang trại được cấp giấy chứng nhận sẽ có quyền và lợi ích như khi được công nhận là kinh tế trang trại, chủ trang trại được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm Thông tư có hiệu lực, việc triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nói chung, trang trại chăn nuôi (gia súc gia cầm) nói riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn quá thấp so với thực tế.
Qua khảo sát, hiện trên địa bàn thành phố cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại mới tập trung ở 4 huyện, mới cấp cho 247 trang trại; trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Đông Anh với 2 trang trại lợn, 201 trang trại gia cầm; huyện Ứng Hòa 20 trang trại lợn, 5 trang trại gia cầm, Gia Lâm 3 trang trại lợn...
Trong khi đó nhu cầu của các hộ phát triển kinh tế trang trại của Hà Nội là rất lớn. Đến nay, Hà Nội có 3.185 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, gồm 35 trại chăn nuôi bò sữa; 68 trại chăn nuôi bò thịt, 779 trại chăn nuôi lợn với quy mô lợn nái từ 10 con, lợn thịt 100 con/hộ và 2.303 trại chăn nuôi gia cầm, với quy mô từ 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thịt, 500 gà thả vườn trở lên, vịt thịt, vịt đẻ 500 con trở lên.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm nguyên nhân dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại ở Hà Nội còn thấp là do công tác triển khai của các huyện chưa đồng bộ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ hộ chăn nuôi về quyền và lợi ích khi được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại còn nhiều hạn chế.
Ở một số nơi các chủ trang trại, nhiều hộ chưa nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của hộ về kinh tế trang trại. Ngoài ra, các hộ còn gặp khó khăn trong việc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi). Đối với diện tích đất cá nhân, gia đình đang sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Trong khi đó, chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, nhất là trong chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi chủ yếu sử dụng đất chuyển đổi và thường tự chuyển đổi diện tích đất cho nhau nên khi cần xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cho chăn nuôi là không thể được.
Chủ hộ sẽ bị mắc và thiếu quá nhiều tiêu chí không đủ điều kiện để chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kể cả việc thống nhất làm hợp đồng cho thuê đất lâu dài để sản xuất. Đây cũng là một trong hai tiêu chí bắt buộc để chủ hộ được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và cũng là nguyên nhân sâu xa vì sao tỷ lệ trang trại được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố hiện còn quá thấp so với yêu cầu.
Để tháo gỡ cho những khó khăn trên, Hà Nội đã có Quyết định Số 1835/QĐ-UBND (ngày 25/2/2013) về việc phê duyệt Quy hoạch chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở quy hoạch này, các huyện thị xã sẽ triển khai đến các địa phương và các hộ để các trang trại chăn nuôi được thực hiện đúng quy hoạch.
Việc tổ chức triển khai cũng cần sự đồng bộ, vào cuộc của các cấp các ngành, nhất là ngành nông nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất giúp các hộ chăn nuôi phát triển theo quy hoạch. Nếu các hộ phát triển chăn nuôi theo đúng quy hoạch sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả nên các chủ hộ chăn nuôi cũng cần phải đồng thuận và tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục tuyên truyền để các hộ phát triển chăn nuôi đúng quy hoạch, giảm nhanh phương thức phát triển chăn nuôi tự phát. Chỉ có chăn nuôi theo đúng quy hoạch, các hộ mới được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và hưởng các quyền lợi phát triển sản xuất. Đó là được hưởng chính sách của thành phố về phát triển giống, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo tập huấn và vay vốn sản xuất.
Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; đồng thời tập trung ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và xây dựng các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến người tiêu dùng. Đây cũng chính là những điều kiện quá thuận lợi để các trang trại yên tâm đầu tư cho phát triển sản xuất.
Việc cấp giấy kinh tế trang trại thuộc thầm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, khi chủ hộ có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng hợp đồng thuê đất, cũng đơn giản về thủ tục hành chính. Đây là điều kiện thuận lợi để các chủ hộ sớm thực hiện các thủ tục cần thiết để được nhận giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể để các hộ biết về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi tham gia thực hiện./.