Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, từ nay đến cuối năm có thể sẽ là khoảng thời gian gập ghềnh đối với nhóm cổ phiếu năng lượng do lộ trình thiếu chắc chắn của giá dầu thô.
Năm 2016, cổ phiếu ngành năng lượng vượt lên tất cả các lĩnh vực khác, tăng gần 24% nhờ sức bật cuối năm do thị trường tin rằng việc các nước sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng sẽ đẩy giá vàng đen đi lên và sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ ngành dầu mỏ Mỹ.
Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng đã yếu đi sau khi lập đỉnh vào giữa tháng 12/2016 và hiện đang là nhóm có "màn trình diễn" tệ nhất trong 11 mã cổ phiếu hợp thành chỉ số Standard & Poor’s (S&P 500) tính từ đầu năm nay.
Dự đoán trong năm nay cổ phiếu năng lượng sẽ giảm 5% so với mức tăng khoảng 6% của chỉ số S&P 500.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu Mỹ tăng giá vào đợt cuối tháng 11/2016 hòa cùng đà đi lên của giá hàng hóa.
Tuy nhiên, sang đến năm nay, đà tăng này đã giảm bớt do thỏa thuận cắt giảm sản lượng ký kết ngày 30/11/2016 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thất bại trong việc làm dịu nỗi lo dư cung và làm biên độ biến động của giá dầu chỉ ở mức hẹp là 5 USD/thùng.
Theo chiến lược gia về dầu khí toàn cầu Vikas Dwivedi thuộc Tập đoàn Macquarie tại Houston của Mỹ, hiện xuất hiện nhiều lo lắng về diện mạo của bức tranh nguồn cung dầu Mỹ và các đợt cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC.
Các nhà đầu tư hiện cũng đang quan sát ảnh hưởng tiềm tàng từ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyên gia Dwivedi dự đoán một số nhà máy lọc dầu độc lập có thể được lợi từ các thay đổi có thể dự đoán đối với các tiêu chuẩn về nhiên liệu tái tạo trong khi một số khác có thể bị thiệt hại lợi nhuận nếu một loại "thuế biên giới" điều chỉnh được chính quyền Mỹ thông qua./.