Chặt đứt “vòi bạch tuộc” ma túy: Hợp sức các tuyến, siết chặt kẽ hở

Việt Nam đẩy mạnh phối hợp 4 lực lượng chủ công gồm cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phòng chống ma túy xâm nhập nội địa.
Chặt đứt “vòi bạch tuộc” ma túy: Hợp sức các tuyến, siết chặt kẽ hở ảnh 1Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu thưởng nóng cho các lực lượng tham gia phá thành công 4 chuyên án, vụ án về ma túy. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và tội phạm ma túy lợi dụng các tiến bộ vượt bậc về khoa học-kỹ thuật từ cuộc cách mạng cộng nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang quyết chặt những chiếc “vòi bạch tuộc.”

Cùng với việc nhận diện, hoàn thiện và ngăn chặn tội phạm lợi dụng chính sách, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng đã phối hợp nhuần nhuyễn, chỉ đạo 4 lực lượng chủ công: cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển hợp sức trên toàn bộ các tuyến.

Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh, triệt phá các tổ chức, đường dây ma túy xuyên quốc gia. Đây chính là lời răn đe tới những kẻ định gieo rắc "cái chết trắng" cũng như tới các “ông trùm, bà trùm” quốc tế…

Hợp sức trên toàn bộ các tuyến

Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), một trong những địa bàn trọng điểm trên trận tuyến phòng, chống ma túy vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam. Tại đây, các loại hình hoạt động xuất, nhập khẩu mà các đối tượng phạm tội thường lợi dụng như tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng chuyển tiếp, vận chuyển độc lập… đều trong “tầm ngắm” của Hải quan Hà Nội.

Các đơn vị phòng, chống ma túy ở đây cũng liên tục nhận diện, “cập nhật” những mánh khóe tinh vi của các băng nhóm, đường dây quốc tế.

Đối với tuyến chuyển phát nhanh, lực lượng Hải quan Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác soi chiếu trước đối với hàng hóa khi nhập kho; thắt chặt kiểm tra, giám sát đối với các lô hàng nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam và các lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối tượng lợi dụng để xuất, nhập khẩu trái phép chất ma túy.

Đặc biệt, Cục Hải quan Hà Nội đã đầu tư, sử dụng máy ngửi ma túy để phát hiện chất cấm này trong các kiện hàng “bay” từ nước ngoài về Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội Nguyễn Trường Giang cho hay, đây là loại máy được bảo quản với kỹ thuật cao ở môi trường nghiêm ngặt. Khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu khả nghi hoặc từ những nguồn tin khác, hải quan dùng máy này để kiểm tra.

[Chặt đứt vòi bạch tuộc ma túy: Những dòng chảy xâm nhập Việt Nam]

Sự tập trung của Hải quan Hà Nội và các lực lượng tại Nội Bài đã ngăn chặt kịp thời nhiều vụ ma tuý thẩm lậu vào nội địa từ đường hàng không, bưu chính quốc tế. Như giữa tháng 5 vừa qua, Cục Hải quan Hà Nội cùng C04 (Bộ Công an) phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Đức về Việt Nam, bắt giữ 11 đối tượng trong đường dây, vật chứng thu giữ hơn 50kg ma túy tổng hợp các loại.

Đánh giá nỗ lực, sự hợp tác hiệu quả này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng các chuyên án được thực hiện kịp thời, nhanh chóng bằng các biện pháp nghiệp vụ và có sự phối hợp đồng bộ giữa hai lực lượng hải quan - công an tại nhiều tỉnh, thành phố.

Nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới có tổ chức, tinh vi đã bị triệt phá bởi các lực lượng chuyên trách tham gia chuyên án và cơ quan điều tra đang tiếp tục đấu tranh mở rộng các vụ án.

Trên các tuyến biên giới, nhất là tại tuyến trọng điểm Tây Bắc, các lực lượng phòng, chống tội phạm ma tuý của Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng cũng hợp sức với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đánh mạnh, không để “cái chết trắng” từ Lào vào địa bàn rồi tìm đường “vượt trời, vượt biển” sang nước thứ ba tiêu thụ.

Nhiều băng nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn có nguồn gốc từ Lào vào Việt Nam đã bị triệt phá, thu giữ hàng trăm bánh heroin, hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp.

Trao đổi về tình hình này, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho hay: Cùng với công tác trinh sát ngoại biên, Biên phòng Sơn La tập trung điều tra xác minh, thu thập tin tức, tài liệu về đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Phòng chống ma tuý và tội phạm Bộ đội Biên phòng Sơn La trực tiếp và phối hợp với Công an tỉnh Sơn La bắt giữ 85 vụ với 104 đối tượng, thu giữ 7,14kg heroin; 10,38kg ma tuý tổng hợp; 1kg ma túy đá; 2,61kg nhựa thuốc phiện; 2 khẩu súng; 22 viên đạn.

"Trước sự đấu tranh, trấn áp mạnh, các đối tượng tội phạm về ma túy buộc phải dịch chuyển khỏi biên giới Sơn La đi nơi khác” - Đại tá Vũ Đức Tú cho biết.

Siết chặt các kẽ hở

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an nhân dân, chủ công là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá thành công 13.417 vụ, bắt 20.048 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466kg heroin, 926kg cùng hơn 2,5 triệu viên ma túy tổng hợp, 137 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma túy rất lớn.

Chặt đứt “vòi bạch tuộc” ma túy: Hợp sức các tuyến, siết chặt kẽ hở ảnh 2Các đối tượng và tang vật vụ án vận chuyển trái phép hơn 32kg ma tuý tổng hợp tại Bình Phước . (Ảnh: TTXVN phát)

Với quan điểm ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, C04 đã làm việc với Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu để đẩy mạnh phối hợp.

Một trong những biện pháp đấu tranh là nếu phát hiện lô hàng có chứa ma túy không có người nhận, lực lượng chức năng sẽ tịch thu nhằm triệt tiêu nguồn tài chính của các đối tượng buôn bán ma túy. Sau nhiều lần mất hàng, đối tượng sẽ “chờn,” không còn đủ vốn để tiếp tục hoạt động.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho hay, C04 đang phối hợp với công an địa phương, nhất là các địa phương có sân bay quốc tế tiến hành rà soát, điều tra cơ bản các doanh nghiệp logistics có chức năng chuyển phát nhanh và đối chiếu Luật Bưu chính để rà soát, bổ sung kịp thời những quy định khắc phục sơ hở, thiếu sót.

Qua mỗi chuyên án, lực lượng chức năng sẽ tìm ra “khoảng trống,” bất cập, từ đó kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, siết chặt các quy định, không để kẽ hở cho tội phạm ma túy lợi dụng.

C04 cũng chủ trì, phối hợp với lực lượng Hải quan, Biên phòng và Cảnh sát Biển nắm tình hình, xác minh, thu thập tài liệu về các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia vận chuyển qua tuyến đường biển để lập chuyên án đấu tranh.

Mặt khác, thông qua hợp tác quốc tế, C04 chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các quốc gia trong khu vực để chia sẻ thông tin, hợp tác đấu tranh các chuyên án chung.

Để ngăn chặn tội phạm ma túy trên tuyến đường biển có chiều hướng phức tạp trở lại sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển cho biết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo toàn lực lượng quyết liệt đấu tranh hiệu quả với các tổ chức, đường dây, đối tượng vi phạm pháp luật trên biển, trong đó đặc biệt là tội phạm ma túy.

Các đơn vị Cảnh sát biển rà soát, đánh giá toàn diện tình hình liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật trên biển, xác định rõ đối tượng, thời gian, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện đấu tranh.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển tăng cường lực lượng, phương tiện xuống các hướng địa bàn trọng điểm, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị điều tra cơ bản, xây dựng kế hoạch, chuyên án đấu tranh chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan như bộ đội biên phòng, công an, hải quan... để trao đổi, phối kiểm, nhận định, đánh giá tình hình, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm, tội phạm.

Đồng thời, Cảnh sát Biển tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên trao đổi thông tin qua đường dây nóng và trao đổi trực tiếp với lực lượng bảo vệ biển các nước tiếp giáp; trên cơ sở các văn bản hai bên đã ký kết để phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vụ việc ngay trên biển.

Cảnh sát biển vừa triệt phá thành công một số chuyên án, vụ án, nổi bật là Chuyên án 201HT, bắt 3 đối tượng, thu giữ gần 10.000 viên ma túy tổng hợp - Đại tá Vũ Trung Kiên cho hay.

Khẳng định nỗ lực, quyết tâm không để Việt Nam làm trở thành địa bàn sản xuất, tập kết, trung chuyển ma tuý, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết công tác phòng, chống ma túy phải kiên quyết cả hai mũi “đầu cung và đầu cầu.”

Cùng với tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai để góp phần từng bước giải quyết “nguồn cầu.” Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn nguồn ma túy từ sớm, từ xa.

Tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh quyết liệt trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; triệt xóa các đường dây tội phạm ma túy, các điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở cơ sở trong công tác rà soát, lên danh sách các điểm, tụ điểm, địa bàn, đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội về ma túy, các đối tượng nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy để đấu tranh, triệt xóa; không để phát sinh điểm, tụ điểm mới, cũng như tái phức tạp trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục